Liêm chính khoa học - khó bề giải quyết ngày một ngày hai
Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa liêm chính Rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” - yếu tố nền tảng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh |
Cần xây dựng quy trình nghiên cứu khoa học rõ ràng, phân công trách nhiệm từ trên xuống dưới, cũng như cơ chế trách nhiệm giải trình mang tính trọn đời của nhà khoa học_Ảnh minh họa |
Vấn đề nan giải
Khái niệm liêm chính khoa học là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có thể hiểu nôm na đó là sự ngay thẳng, trung thực và có trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, là cam kết của nhà nghiên cứu về các tiêu chuẩn trung thực, đáng tin cậy và hợp pháp.
Đây là một vấn đề nan giải suốt từ khi khoa học hình thành. Ở Việt Nam, phần lớn các nhà nghiên cứu luôn ý thức được sự cần thiết phải giữ gìn sự ngay thẳng, trung thực trong nghiên cứu khoa học, đa phần các công trình nghiên cứu đều bảo đảm tính trung thực, rõ ràng. Dẫu vậy, đôi khi cũng có những bê bối khiến giới khoa học và dư luận dậy sóng.
Mới đây, trung tuần tháng 5-2024, việc một trong những nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam là GS,TS Võ Xuân Vinh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) có bài báo khoa học trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản Springer bị gỡ bỏ một lần nữa thu hút dư luận quan tâm đến vấn đề này.
Trả lời báo chí, ông Vinh cho rằng chính mình bị lạm danh để đứng tên trong bài báo khoa học quốc tế đó (ở vị trí thứ 5 trong số 9 tác giả) và đã yêu cầu tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo từ nhiều tháng trước khi bài báo bị gỡ bỏ. Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm việc và ghi nhận, xử lý vụ việc với ông Vinh từ ngày 27-3-2024 và đã đề nghị ông nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Việc một bài báo khoa học bị gỡ bỏ không phải là chuyện hiếm trong làng khoa học thế giới. Theo Tạp chí Nature, chỉ riêng trong năm 2023, số các bài báo khoa học gỡ bỏ đã vượt qua con số 10.000. Phần lớn các bài báo bị gỡ bỏ năm 2023 là từ các tạp chí của Hindawi - công ty con của Nhà xuất bản Wiley (Anh). Điều đáng quan ngại là trong năm đó, các tạp chí của Hindawi đã đăng hơn 8.000 bài báo khoa học, với 35.000 trích dẫn thu được từ các bài báo đã đăng đó.
Các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus tuy giúp tra cứu nhanh chóng, thuận tiện, nhưng nó không phải chuẩn mực bảo chứng cho chất lượng nghiên cứu. Vô số tạp chí trong các danh mục thương mại này không phải do các cộng đồng khoa học hay các chuyên gia trong từng lĩnh vực đề xuất, mà được nhân viên hành chính của Elsevier (với danh mục Scopus) và Clarivate (với danh mục ISI) chọn ra.
Vì thế, không ít tạp chí đáng ngờ, tạp chí săn mồi, thậm chí tạp chí mạo danh trà trộn trong danh mục này. Việc đề cao quá mức “bài báo ISI/Scopus” mà không quan tâm chất lượng thực của sản phẩm khoa học xuất phát từ chỗ chúng ta chưa có đội ngũ khoa học phản biện vững chắc. Và vấn nạn “sản xuất rác”, đăng những bài báo khoa học kém chất lượng trên các tạp chí kém chất lượng xuất phát từ đó.
Việc vi phạm liêm chính khoa học không chỉ có hành vi “sản xuất rác” nêu trên. Có thể tập hợp các hành vi vi phạm liêm chính phổ biến nhất trong nghiên cứu khoa học vào 6 nhóm như sau: một là đưa tên người không tham gia nghiên cứu vào làm tác giả, đồng tác giả công trình; hai là đạo văn hoặc tự đạo văn; ba là làm hộ, làm thuê các công trình khoa học; bốn là sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho cá nhân mà chưa có sự đồng ý của nhóm; năm là bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu; sáu là thao túng quá trình phản biện, lập bang hội kích tăng số lượng trích dẫn...
Những vi phạm nói trên có nhiều nguyên do, nhưng tập trung chủ yếu ở 2 nguyên nhân sau: (i) Nhà nghiên cứu vô tình không biết hoặc thiếu kiến thức vì không được đào tạo; (ii) Nhà nghiên cứu biết nhưng cố tình vi phạm, thậm chí cấu kết nhau thành bang hội để vi phạm.
Biện pháp hóa giải
Liêm chính khoa học không chỉ là vấn đề đạo đức thuần túy. Hành vi vi phạm không những lãng phí tiền tài trợ khoa học thông qua các đề tài, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, quốc phòng, sức khỏe, tính mạng và niềm tin của người dân khi ứng dụng các kết quả hoặc ban hành chính sách dựa trên các nghiên cứu đó. Nếu không kịp thời có biện pháp hóa giải nan đề này, khoa học sẽ bị lũng đoạn và càng để lâu càng khó giải quyết. Theo đó, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng văn hóa liêm chính khoa học, thể hiện chủ yếu ở 2 việc sau: đầu tiên là phải thôi thúc trong mỗi nhà nghiên cứu tình yêu lao động, coi lao động khoa học là nhu cầu vinh quang của chính mình. Vì sự vinh quang đó, nhà nghiên cứu sẽ lập tức quay lưng với các hành vi gian lận vi phạm tính liêm chính khoa học bởi điều đó xúc phạm tình yêu và sự nghiệp của họ.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về liêm chính, tạo sự coi thường, thậm chí khinh bỉ của dư luận xã hội đối với các hành vi vi phạm liêm chính khoa học, gian lận trong nghiên cứu, đặc biệt là các hành vi cố tình vi phạm, tạo lập bang hội thao túng kết quả và ảnh hưởng của công trình khoa học.
Đồng thời cần định hướng dư luận, tránh tình trạng mượn danh bảo vệ liêm chính để đấu tố, triệt hạ nhà khoa học; biến việc bảo vệ tính liêm chính thành cơ hội tấn công, mạt sát nhà khoa học.
Thứ hai, cần đề cao và quy chuẩn liêm chính trong các cơ sở nghiên cứu. Cần xây dựng quy trình nghiên cứu khoa học rõ ràng, phân công trách nhiệm từ trên xuống dưới, cũng như cơ chế trách nhiệm giải trình mang tính trọn đời của nhà khoa học.
Bỏ hẳn bệnh thành tích, chạy theo chỉ số định lượng thiếu công bằng như số lượng bài báo ISI/Scopus, số lượng trích dẫn, thứ tự trong các xếp hạng thiếu uy tín và kiểm chứng. Xây dựng quy định nội bộ, nhắc nhở lẫn nhau bảo đảm liêm chính học thuật, tầm soát và sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn và viết bài bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nêu rõ về ngưỡng đạo văn (cho phép bao nhiêu % trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực nghiên cứu. Nghiên cứu xây dựng các nguyên tắc lớn, quy định phổ quát, bộ chỉ số/tiêu chí chung và đặc thù về liêm chính khoa học để trên cơ sở đó, các bộ, ngành, đơn vị xây dựng bộ quy tắc riêng phù hợp.
Thứ ba, cần có sự quản lý của nhà nước về liêm chính khoa học. Phải đặt liêm chính khoa học trong tổng thể chính sách phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo; hướng tới xây dựng một nền khoa học minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liêm chính khoa học: chấm dứt đề tài, cấm tham gia đề tài về sau, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với những vi phạm nghiêm trọng.
Liêm chính khoa học là một nan đề dai dẳng không phải ngày một ngày hai có thể triệt tiêu được. Nó xuất phát từ chỗ chúng ta không có những liều thuốc để phòng chống từ đầu. Tuy nhiên, với phương châm từ không đến có, từ chưa hoàn thiện tới hoàn thiện, nhất định nan đề này phải giảm thiểu và triệt tiêu được./.
Nguồn: Liêm chính khoa học - khó bề giải quyết ngày một ngày hai