Liên minh châu Âu tìm kiếm các thỏa thuận về Luật khí hậu
Các tuabin gió phát điện tại công viên gió gần Prenzlau, Đức. Ảnh: Reuters |
Cuộc họp sẽ tạo cơ hội cho các bộ trưởng năng lượng EU thảo luận về các kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu khí đốt mà Brussels dự kiến sẽ đưa ra trong những tuần tới trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt giảm thêm.
Cuộc họp các bộ trưởng năng lượng vào ngày 27/6 và các bộ trưởng môi trường họp vào ngày 28/6, dự kiến sẽ thống nhất các quan điểm chung về các luật được đề xuất nhằm đạt mục tiêu cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Các luật này sẽ mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo, điều chỉnh thị trường khí thải CO2 của EU và cấm bán các loại xe ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035.
Brussels cho biết cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong năm nay do xung đột tại Ukraine khiến 27 nước thành viên EU phải tăng tốc hơn nữa trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, mối đe dọa về sự suy giảm kinh tế do giá năng lượng tăng cao cũng đã khiến một số quốc gia thận trọng hơn trong việc chuyển đổi năng lượng mà họ lo ngại có thể gây ra nhiều gián đoạn hơn.
Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến ủng hộ các mục tiêu mà Ủy ban châu Âu (EC) đề ra năm ngoái, theo đó đến năm 2030 đạt 40% năng lượng từ các nguồn tái tạo và giảm 9% mức tiêu thụ năng lượng dự kiến.
Brussels đã tăng các mục tiêu đó lên lần lượt 45% và 13% vào tháng trước, nhằm tăng tốc độ chấm dứt sự phụ thuộc của các nước vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu ngày càng đắt đỏ. Tuy nhiên, các bộ trưởng dự kiến sẽ thông qua các đề xuất ban đầu và tạm dừng việc xem xét các mục tiêu cập nhật cho đến cuối năm nay, khi họ thảo luận về các dự luật cuối cùng với Nghị viện châu Âu.
Các dự thảo thỏa thuận xác định một số mục tiêu là tự nguyện, không ràng buộc pháp lý, như mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng và mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 2,6% nhiên liệu vận tải vào năm 2030.
Các nước cũng đang xem xét hạ mục tiêu một nửa lượng hydro sử dụng trong ngành công nghiệp được tạo ra từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Một số nhà ngoại giao lo ngại những thay đổi trên, nếu được thông qua, sẽ khiến EU không đạt được các mục tiêu về khí hậu của khối. Tuy vậy, những người khác cho rằng các quốc gia sẽ giữ lại các nội dung cốt lõi cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát thải.
Nguồn: Liên minh châu Âu tìm kiếm các thỏa thuận về Luật khí hậu