Lĩnh vực nào phải kiểm kê khí nhà kính?
Kiểm kê khí nhà kính là gì?
Khí nhà kính (Greenhouse Gas - GHG) là lượng khí được thải ra từ hoạt động của các sinh vật trên Trái đất, bao gồm con người, động và thực vật. Khí nhà kính có thể là việc hít thở, chăn nuôi, trồng trọt, giao thông, sản xuất công nghiệp, khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Thế giới quy định, kiểm kê khí nhà kính là việc đo đạc lượng khí thải nhà kính do con người thải ra trên một phạm vi xác định trong khoảng thời gian 1 năm. Việc kiểm kê khí nhà kính đều được áp dụng đối với một doanh nghiệp, tổ chức hoặc địa phương, quốc gia hay một cộng đồng. Các lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính trên thế giới bao gồm: sản xuất năng lượng dân dụng và thương mại; giao thông vận tải; rác thải, nước thải và chất thải rắn; sản xuất công nghiệp; nông - lâm nghiệp và sử dụng đất.
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, kiểm kê khí nhà kính cũng được ban hành theo nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Việt Nam về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng o-zon” ngày 07/01/2022 như sau: hoạt động kiểm kê khí nhà kính là việc thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính; tính toán lượng phát thải, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và thời gian cụ thể là 1 năm. Việc kiểm kê này phải được thực hiện theo đúng phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Để biết được mục tiêu giảm phát thải của các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia có đạt hay không, lượng khí nhà kính phát thải cần được đo lường hằng năm để so sánh với lượng phát thải của những năm trước đó. Thông qua số liệu về phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia đó sẽ biết điều chỉnh lượng phát thải khí nhà kính của mình trong năm tiếp theo.
Lĩnh vực nào phải kiểm kê khí nhà kính?
Quyết định số 13/2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 và các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính trong danh mục sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính ngay từ thời điểm nói trên. Đây là bản cập nhật cho Quyết định 01/2022 theo đúng lộ trình như thông lệ quốc tế. Trong đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm:
1. Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.
2. Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.
3. Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.
4. Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.
5. Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.
6. Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.
Danh mục cụ thể quy định 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.
Nguồn: Lĩnh vực nào phải kiểm kê khí nhà kính?