Loạt ngân hàng chia cổ tức tiền mặt, cổ đông chuẩn bị đón tin vui
Nhà băng nào mạnh tay chia cổ tức tiền mặt?
Vào mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), vấn đề chia cổ tức của ngân hàng lại trở thành chủ đề nóng được thị trường quan tâm.
Năm 2023 có 5 nhà băng chi trả cổ tức bằng tiền mặt với số tiền hơn 19.000 tỷ đồng. Đến năm 2024 con số này đã lên tới 7 ngân hàng và số tiền dùng để trả cổ tức tiền mặt lên tới khoảng 26.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) có phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024. Trước đó, Techcombank đã từng thực hiện chiến lược không chia cổ tức trong vòng 10 năm để dồn lực phát triển. Như vậy, nhiều khả năng Techcombank sẽ là nhà băng chia cổ tức nhiều nhất trong năm 2024.
Với tỷ lệ cổ tức nói trên, ước tính Techcombank sẽ phải chi khoảng 5.200 tỷ đồng. Nguồn thực hiện chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.
Lý giải về việc chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay, Techcombank cho biết chính sách cổ tức là cam kết của ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết cổ đông. Ngân hàng đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40%/năm trong một thập kỷ, tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm gần nhất đạt trên 3 tỷ USD ngay cả khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
"Ngân hàng tin tưởng rằng việc duy trì chính sách trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 là 14 - 15% là hoàn toàn khả thi", tài liệu đại hội cho hay.
Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia (19.886 tỷ đồng). Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng.
Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - Mã: VPB) cũng lên kế hoạch sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%.
Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại là 418,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III năm 2024. Thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng.
Năm 2024, VPBank không có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cổ phiếu, với mức giá 10.000 đồng/cp.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) cũng sẽ tiếp tục chính sách chia cổ tức cao trong năm 2024. Nhà băng này sẽ bỏ ra 7.484 tỷ đồng để trả cổ tức 12,5% bằng tiền mặt và 17% bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay thấp hơn so với 2023 nhưng số tiền bỏ ra cao hơn.
Ngân hàng VIB đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 vào ngày 21/2 vừa qua với tỷ lệ 6% và sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.
Năm nay, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) tiếp tục duy trì mức chia cổ tức như năm trước. Cụ thể, MB kế hoạch sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% và 15% bằng cổ phiếu, tổng số tiền chi trả là 10.613 tỷ đồng.
Tổng cộng trong năm 2024, ngân hàng sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 20%. Số lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện chia cổ tức là 8.339 tỷ đồng. Đầu tiên, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.
Đồng thời, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Kịch bản trong trường hợp MB chưa nhận chuyển giao bắt buộc. (Ảnh: Công bố thông tin). |
Lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt còn có ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - Mã: HDB). Theo đó, ngân hàng dự kiến duy trì mức chi trả cổ tức 25% với 10% bằng cổ phiếu và 15% cổ tức. Tổng số tiền dự kiến chi trả là 7.269 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 1 thập kỷ tăng trưởng cao và liên tục, HDBank luôn thực hiện truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao.
Đặc biệt, năm 2024, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt sau 10 năm.
Cụ thể, Exinbank kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 10% với 7% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt. Về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến bỏ ra là 522 tỷ đồng. Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng này sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm nay.
Ngân hàng nói không với cổ tức
Từ năm 2023, Ngân hàng Nhà nước không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 7 ngân hàng lên kế hoạch chia một phần cổ tức bằng tiền mặt. Đó là Techcombank, HDBank, VIB, VPBank, ACB, MB và Eximbank. Các nhà băng còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận hoặc không chia cổ tức
Lãnh đạo các ngân hàng lý giải việc không chia cổ tức tiền mặt là để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, số hóa, mở rộng quy mô cho vay và giữ chân nhân tài,....
Thực ra, cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được coi là thu nhập của nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Bên cạnh những nhà băng mạnh tay chia cổ tức trong năm 2024 cũng có một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank - Mã: SGB) có kế hoạch không trả cổ tức trong năm 2024, mặc dù từng chi cổ tức trong năm ngoái.
Trong đó, theo giải trình từ LPBank và ABBank, cả hai nhà băng muốn giữ lại lợi nhuận để đầu tư, xây dựng nguồn lực. Đặc biệt, LPBank còn có dự định sẽ không chia cổ tức trong ba năm tới.
Nguồn: Loạt ngân hàng chia cổ tức tiền mặt, cổ đông chuẩn bị đón tin vui