Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp logistics
3 xu hướng định hình thị trường khởi nghiệp logistics năm 2023 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi" |
Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp logistics
Ngành logistics thời gian qua, dù vẫn còn khó khăn, đã dần có tín hiệu khởi sắc. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành có những diễn biến trái chiều.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hàng hải Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 565 triệu tấn (không gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu giảm 1%, ở mức 132.7 triệu tấn; hàng nhập khẩu tăng 5%, đạt 165.3 triệu tấn; hàng nội địa cũng tăng 3%, đạt 264.7 triệu tấn và hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 2.1 triệu tấn. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển trong 9 tháng giảm 3%, ở mức 18.36 triệu Teus. Dù vận tải biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã dần có những tín hiệu khởi sắc sau nhiều tháng giảm liên tục.
Trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành logistics có nhiều diễn biến trái chiều. Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong số 24 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 3/2023, thống kê trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM), có 12 doanh nghiệp lãi tăng, 8 doanh nghiệp lãi giảm, một doanh nghiệp chuyển lãi và ba doanh nghiệp tiếp tục lỗ.
Quý kinh doanh khó khăn của nhiều “ông lớn”
Quý 3/2023 vừa qua là một kỳ kinh doanh khó khăn đối với các doanh nghiệp logistics khi tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp đã công bố BCTC đạt hơn 11.6 ngàn tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết “ông lớn” trong ngành đều tăng trưởng âm, điển hình là MVN, HAH. Cái tên kém khả quan nhất là VSA với mức giảm doanh thu thuần 38% so với cùng kỳ.
Đối với MVN, doanh thu trong kỳ đạt 3,232 tỷ đồng, giảm 15%; chủ yếu do hoạt động vận tải giảm 35%, về 1,034 tỷ đồng. Ngoài ra, một hoạt động khác cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu là khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải ghi nhận mức giảm 7%, đạt 1,682.3 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ các hoạt động còn lại, dù tăng đến 24%, nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Hoạt động vận tải kinh doanh khó khăn với biên lãi gộp chỉ đạt 7%, tức giảm đến 28 điểm phần trăm, tương tự các hoạt động khác cũng có biên gộp sụt giảm; qua đó, biên lãi gộp MVN giảm 12.5 điểm phần trăm, về mức 16.7%; lợi nhuận gộp đạt 540.7 tỷ đồng, giảm 52%.
Với HAH, doanh thu thuần đạt hơn 681 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu từ hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 80% doanh thu) là khai thác tàu giảm 11%. Giá vốn tăng cao đã bào mòn 58% lãi gộp của HAH, xuống 158 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh từ 48% ở cùng kỳ xuống còn 23%.
Hai “ông lớn” hiếm hoi có doanh thu tăng trưởng phải kể đến GMD và VSC. Trong đó, doanh thu
GMD đạt 998 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%, đóng góp chính từ hoạt động khai thác cảng đạt 779.7 tỷ đồng.
Còn với VSC, doanh thu đạt 557.2 tỷ đồng, tăng 10%. Đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu vẫn từ dịch vụ bốc dỡ container. Với việc 2 cảng chủ lực là Green và VIP Green hoạt động ổn định với công suất tối đa, cùng giá dịch vụ không có nhiều biến động, giúp doanh thu của VSC ổn định thời gian qua. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của VSC đạt 178.7 tỷ đồng, tăng 8%; biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ 0.5 điểm phần trăm, về 32%.
Sau khi kết thúc quý 3, NAP lộ diện là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu thuần cao nhất ngành cũng như trong nhóm tăng tưởng doanh thu cao nhất toàn thị trường chứng khoán. Cụ thể, quý 3/2023, doanh thu thuần của NAP đạt hơn 72 tỷ đồng, tăng 93%; biên lãi gộp tăng lên mức 24% từ con số 16.9% của quý 3/2022.
Trong một diễn biến khác, DS3 là doanh nghiệp duy nhất chuyển lỗ gộp với gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 3.5 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance |
Nguồn: VietstockFinance |
Chi phí quản lý doanh nghiệp còn cao
Ngành logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác cảng, hầu như không có chi phí bán hàng, do hầu hết chi phí hoạt động đều là chi phí quản lý doanh nghiệp, chủ yếu là chi phí nhân công. Thông thường, các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước sẽ có chi phí nhân công cao hơn hẳn các doanh nghiệp tư nhân.
Tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp so với doanh thu thuần dao động trong khoảng 3 - 14% và phần lớn đều trên 8%. Trong đó, CQN, CMP là các doanh nghiệp có tỷ lệ này cao nhất, lần lượt là 14.5% và 13.3%; kế đến là NAP , CCR và DXP cùng vào khoảng 12.8%. Ở chiều ngược lại thì SFI, PDV và PDN có tỷ lệ này thấp nhất, chỉ chưa đến 5%.
Nguồn: VietstockFinance |
Lãi phân hóa
Lãi ròng của các doanh nghiệp logistics diễn biến trái chiều. PDV ,VSC,MVN và HAH có lãi ròng giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 68%, 60%, 54% và 52%.
Trường hợp của VSC và PDV khá đặc biệt khi cả 2 tăng trưởng về doanh thu nhưng kết quả lãi ròng giảm. Trong đó, VSC phát sinh khoản chi phí lãi vay đột biến 57.4 tỷ đồng (chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu tư vào Cảng Nam Hải Đình Vũ và góp vốn thực hiện dự án khách sạn Hyatt Palace Hải Phòng) cùng với chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã kéo tụt hiệu quả kinh doanh. Kết thúc quý 3, VSC lãi ròng 32.5 tỷ đồng, giảm 60%.
Đối với MVN , sự khó khăn trong hoạt động vận tải như đã nêu ở phần đầu kèm theo khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 37%, về 32.3 tỷ đồng và lợi nhuận khác giảm 73%, về 5.2 tỷ đồng là những nguyên nhân chính khiến lãi ròng Công ty giảm mạnh.
Còn HAH , doanh thu giảm kết hợp với giá vốn, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao góp phần làm xấu đi kết quả chung. Điểm sáng hiếm hoi là doanh thu hoạt động tài chính tăng 79%, lên 11 tỷ đồng, nhờ cổ tức và lợi nhuận được chia. Kết quả, HAH lãi ròng quý 3 gần 106 tỷ đồng, giảm 52%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp Công ty này tăng trưởng âm về lợi nhuận.
HAH cho biết, lợi nhuận giảm do sản lượng hàng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí cho đội tàu lại tăng, do tăng thêm tàu HaiAn Rose vào tháng 11/2022, dẫn đến lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm mạnh. Ngoài ra, HAH còn ghi lỗ kinh doanh từ Công ty TNHH liên doanh Zim Hải An do công ty chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm nay.
Ở chiều ngược lại, NAP là doanh nghiệp có lãi ròng tăng mạnh nhất, lên đến 6,054% so với cùng kỳ. Nhìn từ một góc độ tích cực khác, đây là quý tăng trưởng lãi ròng thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp hoạt động bốc xếp hàng hóa và dịch vụ kho bãi trên địa bàn rộng lớn bao gồm khu vực Cửa Lò và Bến Thủy này.
Nhiều doanh nghiệp, dù doanh thu giảm, nhưng sau cùng lại có tăng trưởng lãi ròng. Có thể kể đến như SGP, CCR , MAC, VSA ,CQN. Trong đó, SGP có quý tăng trưởng mạnh mẽ 221% và cùng với NAP bỏ xa các đối thủ còn lại.
Khoản lãi của SGP cũng gây chú ý khi chủ yếu đến từ việc hoàn nhập dự phòng các khoản nợ xấu. Đến cuối quý 3, SGP còn hơn 116 tỷ đồng giá trị gốc nợ xấu, giảm 62% so với đầu năm. SGP đánh giá còn gần 48 tỷ đồng có thể thu hồi, giảm hơn một nửa so với đầu kỳ. Lãi đột biến của SGP còn nhờ lãi từ tiền gửi, tiền cho vay 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 90 triệu đồng.
“Ông lớn” GMD dù doanh thu không thay đổi nhiều, nhưng nhờ cải thiện biên lãi gộp, tăng doanh thu tài chính, đồng thời giảm khá nhiều chi phí giúp lãi ròng tăng 4%, đạt 254 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance |