Long An phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics
Nông sản Việt: Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh Khai thác tiềm năng, phát triển hạ tầng dịch vụ logistics |
Thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết, địa phương này có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; là cửa ngõ giao thoa giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng Đông Nam bộ, liền kề TP.HCM, có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia. Lợi thế này, góp phần đưa Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thời gian qua, chính quyền tỉnh Long An chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hình thành các nút giao đấu nối hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) với các cảng. Hiện các K,CCN trên địa bàn tỉnh đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho hiện đại. Các dịch vụ giao nhận, dịch vụ liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển.
Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 KCN, 21 CCN đang hoạt động và gần 15.000ha đất công nghiệp có thể thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh. Long An là địa phương đứng đầu Vùng ĐBSCL và đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố về xuất, nhập khẩu. Với nhiều dư địa cho phát triển, các K,CCN trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển, kho bãi, cho thấy tiềm năng, vai trò quan trọng của ngành logistics trong hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Long An trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam bộ. Theo đó, tỉnh quy hoạch 2 cảng cạn gồm Cảng cạn Bến Lức, thuộc Bến Lức có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; Cảng cạn Tân Lập thuộc huyện Thủ Thừa, có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm.
Từ nay đến năm 2030, Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển mạng lưới giao thông vận tải; trong đó, hình thành nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hą tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nổi giao thông liên vùng, thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội; bố trí thêm lối ra, vào với Cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển, kho bãi. |
Đồng thời, tỉnh tập trung cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: Đuờng tỉnh 827E, trục động lực Đức Hoà, đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây-Lương Hòa-Bình Chánh, đường Tân Tập-Long Hậu. Long An cũng tập trung nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy gồm: tuyến Tân Tập (cảng biển Long An)-Bến Lức-Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An)-Bến Lức-Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An)-Tân An-Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An)-Tân An-Mộc Hóa và tuyến Phước Đông-Tân Kim.
Tỉnh xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải 1.000-2.000 tấn; 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp với quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 200-5.000 tấn và 14 cảng bến khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh.
Long An là một trong những địa phương trồng nhiều loại trái cây phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Thách thức trong logistics cho nông sản tươi tại Việt Nam cũng như Long An là chưa kết nối hết trong các khâu mua bán hàng, khó tuân thủ trong thực hành sau thu hoạch; công nghệ sau thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu, không theo kịp nhu cầu thị trường; thiếu các trung tâm logistics chuyên cho nông sản tươi ứng dụng công nghệ hiện đại.
Theo đó, việc xây dựng hệ thống kho bảo quản nông sản tươi dùng công nghệ điều chỉnh khí hoàn toàn tự động (Cass) là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá” và phù hợp xu hướng kinh doanh thương mại điện tử. Quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước phát triển dịch vụ này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực trong đầu tư cho hệ thống hạ tầng sẽ góp phần đưa Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố phía Nam.
Nguồn:Long An phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics