Luật Địa chất và Khoáng sản: Góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực khoáng sản
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. |
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
PV: Thưa đại biểu, việc Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản quốc gia?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông:
Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa tài nguyên địa chất, khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm. Việc này giúp bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên quý giá này, đồng thời đảm bảo sử dụng bền vững, tiết kiệm và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Có thể thấy rằng tài nguyên địa chất, khoáng sản không những là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản sau hơn 13 năm thi hành Luật Khoáng sản nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành.
Luật Địa chất và Khoáng sản giúp bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đất nước |
Đặc biệt, việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản nhằm kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm và vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
PV: Phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý là một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản. Điều này giúp địa phương phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông:
Điều 80, 81, 82 và 83 của Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định việc phân cấp quản lý khoáng sản. Cụ thể, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quản lý trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, hiện nay việc phân cấp quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm trong phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, chưa đồng bộ ở các cấp. Nếu việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện một cách bài bản, phù hợp với từng địa phương sẽ phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong việc quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên từng địa bàn, góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản.
Khắc phục những hạn chế này, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, giúp phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh, đồng thời quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý. Chính phủ cũng sẽ quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến đối với từng loại dự án để bảo đảm chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật. Việc quản lý tài nguyên khoáng sản được phân cấp cho các địa phương theo quy định trong Luật cũng làm cho hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ thuận lợi cho việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn đảm bảo khai thác tận thu nguồn tài nguyên quy mô nhỏ, tránh việc khai thác thổ phỉ, góp phần tăng thu cho ngân sách và phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung.
Đồng thời, Luật cũng tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản. Nhờ đó, địa phương có thể tận dụng nguồn lực tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, đảm bảo cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đúng quy định pháp luật.
PV: Thưa đại biểu, để Luật Địa chất và Khoáng sản sớm đi vào cuộc sống, những công việc nào cần sớm được triển khai?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông:
Để Luật Địa chất và Khoáng sản sớm đi vào cuộc sống, tôi nghĩ cần triển khai các công việc sau:
Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết liên quan đến Luật để đảm bảo việc thực thi hiệu quả. Đồng thời, cần tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức về nội dung và quy định của Luật để họ có thể áp dụng trong công việc hàng ngày; thúc đẩy việc thông tin, tuyên truyền về Luật và những lợi ích mà nó mang lại cho địa phương và cộng đồng; Chính phủ cũng cần có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên quan để quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách bền vững và hiệu quả.
Đồng thời, tôi cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật tại cấp địa phương để đảm bảo tuân thủ và hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực khoáng sản