Mở rộng mảng xanh trong quy hoạch và phát triển đô thị
Để đô thị Việt Nam phát triển bền vững Phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường |
Trong quy hoạch, không gian cây xanh là một chức năng rất quan trọng và được coi như lá phổi của đô thị. Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh diện tích mặt không thấm của đất đô thị, đồng thời việc giảm mạnh tỷ lệ không gian xanh của thành phố gây ra nhiều tác động xấu đến chất lượng môi trường sống như tăng nhiệt độ không khí của thành phố do hiện tượng bức xạ nhiệt của bê tông; gia tăng chất thải và vấn đề chôn lấp xử lý chất thải ở các khu nhà đô thị tập trung cao; gia tăng ngập lụt; suy giảm chất lượng và khối lượng nguồn nước ngầm do mất bề mặt thấm nước tự nhiên...
Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời.
Thành phố Biên Hòa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của tỉnh Đồng Nai. Trên địa bàn thành phố có sáu khu công nghiệp quy mô lớn đang hoạt động, kéo theo đó dân số cơ học tăng cao hằng năm. Hiện nay, Biên Hòa đang có khoảng 1,2 triệu người, là đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số đông nhất cả nước.
Dân số tăng nhanh khiến cho quỹ đất dành cho các công trình công cộng, trong đó có quỹ đất dành cho phát triển cây xanh ngày càng trở nên thu hẹp. Trên địa bàn có 23 công viên, với diện tích gần 18ha do thành phố Biên Hòa quản lý. Ngoài ra, còn có một số công viên do các đơn vị cấp tỉnh quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các công viên ở Biên Hòa quy mô rất nhỏ, làm cho diện tích cây xanh tập trung cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Việc đầu tư xây dựng các công viên kết hợp cây xanh sẽ giúp tăng tỷ lệ cây xanh tập trung cho đô thị Biên Hòa. Ảnh: PH. |
Tỷ lệ cây xanh tập trung trên đầu người tại đô thị Biên Hòa vẫn còn cách rất xa tiêu chuẩn quy định. Theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, đối với đô thị loại I, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị phải đạt tối thiểu 6m2/người dân. Trong khi đó, hiện nay, tỷ lệ cây xanh sử dụng công cộng trên đầu người của thành phố mới chỉ đạt khoảng 1,8m2/người dân.
Để đạt được tiêu chuẩn theo quy định, TP.Biên Hòa cần có thêm 600-700ha cây xanh. Để tăng diện tích cây xanh tập trung, TP.Biên Hòa đang rà soát, bổ sung quy hoạch các công viên cây xanh trên địa bàn. Trong đó, khu rừng thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa quản lý và công viên cây xanh được quy hoạch tại cù lao Hiệp Hòa được xác định sẽ là 2 công viên cây xanh lớn của thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, TP.Biên Hòa sẽ kêu gọi đầu tư đối với công viên cây xanh đã được quy hoạch tại cù lao Hiệp Hòa. Đây là khu công viên cây xanh tập trung được quy hoạch với quy mô khoảng 100ha. Theo tính toán, nếu 2 công viên cây xanh trên được đầu tư, TP.Biên Hòa sẽ có thêm khoảng 200ha cây xanh tập trung. Đây là diện tích cây xanh rất lớn, quý giá để hướng tới mục tiêu “phủ xanh” đô thị, đáp ứng tiêu chí của một đô thị loại I.
Thành phố Biên Hòa đề xuất UBND tỉnh cho phép rà soát các quỹ đất đủ điều kiện để quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe kết hợp với trồng cây xanh. TP.Biên Hòa sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe nhiều tầng kết hợp thêm diện tích để trồng cây xanh. Còn các nhà đầu tư sẽ đóng vai trò vừa khai thác các bãi đậu xe vừa chăm sóc, phát triển diện tích cây xanh kết hợp. Cùng với đó, TP.Biên Hòa đề xuất UBND tỉnh sử dụng các diện tích đất nhỏ, đủ điều kiện, phù hợp quy hoạch để xây dựng thêm các công viên nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, vừa tăng thêm diện tích đất cây xanh đô thị.
Tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045. Theo đó, Biên Hòa sẽ được chuyển từ mô hình “đô thị công nghiệp” sang “đô thị dịch vụ và công nghiệp”, hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững. Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Quyết định này mở ra nhiều cơ hội cho đô thị Biên Hòa trong việc xác lập thêm nhiều không gian đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Thành phố Biên Hòa đề xuất UBND tỉnh cho phép rà soát các quỹ đất đủ điều kiện để quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe kết hợp với trồng cây xanh. Ảnh: TD. |
Cùng với việc mở rộng mảng xanh đô thị, Đồng Nai là địa phương đi đầu cả nước trong huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh gắn với xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ. Theo Sở NN&PTNT, kết quả trong 2 năm 2021-2022, toàn tỉnh trồng được trên 6,7 triệu cây xanh các loại, đạt 34% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm; qua đó góp phần ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 29,2% hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.
Vốn đầu tư cho chương trình trồng cây xanh nông thôn, các địa phương, đơn vị tự cân đối ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án; trong đó chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa. Cụ thể, trong năm 2023, dự kiến các tổ chức, hộ gia đình tự đầu tư gần 81 tỷ đồng trồng rừng, trồng cây xanh như trồng rừng keo lai, trồng cây công nghiệp, cây ăn trái… Ngoài ra, mục tiêu phấn đấu trong năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng đạt trên 3,6 nghìn ha; tiếp tục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích 420ha; nuôi dưỡng rừng tự nhiên hơn 2,1 nghìn ha, duy trì diện tích rừng được quản lý bền vững hiện có trên 7,7 nghìn ha.
Đối với công tác phát triển, bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng công tác khảo sát hiện trạng cây xanh khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, giảm thiểu tối đa việc chặt hạ cây xanh đang sinh trưởng tốt. Trong thời gian vừa qua, Sở Xây dựng tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị thỏa thuận việc chặt hạ và thanh lý cây xanh đang sinh trưởng tốt nằm trong phạm vi triển khai thi công các dự án đầu tư công trên địa bàn của các địa phương.
Tuy nhiên vị trí cây xanh xin chặt hạ đa phần thuộc vị trí xây dựng sân, đường, công trình phụ (nhà bảo vệ, nhà xe, bể nước..) hoặc công trình chính trong khi dự án xây dựng trên khuôn viên mặt bằng có diện tích lớn. Điều này cho thấy công tác khảo sát, thiết kế chưa chú trọng việc khảo sát hiện trạng hệ thống cây xanh trong khuôn viên dự án để đưa ra phương án thiết kế tổng mặt bằng hợp lý, bảo tồn và giảm tối thiểu việc chặt hạ cây xanh.
Hiện nay, chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng tại các địa phương ở tỷ lệ thấp và đây là một trong các tiêu chí chưa đạt khi đánh giá phân loại đô thị, mặt khác bảo vệ, phát triển cây xanh là giải pháp tạo dựng cảnh quan, phục vụ văn hóa, tinh thần của con người, giúp cải thiện chất lượng môi trường không khí các tiểu vùng, giảm thiểu tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm.
Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khi ập các dự án đầu tư xây dựng cần chỉ đạo việc thực hiện khảo sát hiện trạng cây xanh, có giải pháp thiết kế tối ưu theo các quy định hiện hành nhằm bảo vệ tối đa cây xanh hiện hữu, tránh việc phải chặt hạ trong khu vực dự án, đảm bảo việc bảo tồn và tăng trưởng của cây trong suốt quá trình thực hiện dự án. Trường hợp bất khả kháng không thể bố trí công trình ở vị trí khác thì mới phải chọn giải pháp chặt hạ cây xanh. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thỏa thuận chặt hạ cây xanh với lý do cây xanh thuộc vị trí xây dựng sân, đường, công trình phụ hoặc công trình chính trong khi dự án xây dựng trên khuôn viên diện tích lớn và vẫn còn giải pháp không phải chặt hạ, Sở Xây dựng sẽ không thỏa thuận trong trường hợp này.
Nguồn:Mở rộng mảng xanh trong quy hoạch và phát triển đô thị