Mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 15,66 tỷ USD |
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017 - 2022 công tác xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo át sao và đạt kết quả quan trọng: đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 93 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng: chè, bưởi, chuối, rau, gạo, hồng không hạt, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, sản phẩm OCOP của 93 chủ thể (35 doanh nghiệp, 45 hợp tác xã, tổ hợp tác, 13 hộ kinh doanh cá thể).
Bên cạnh đó 100% sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng an toàn, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng tốt yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó có 37,6% cơ sở có sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP, ISO…); giá trị sản phẩm sau khi tham gia chuỗi cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm chưa tham gia sản xuất theo chuỗi.
Tư duy, nhận thức về sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, 100% chủ thể tham gia chuỗi được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm ; hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, nhiều chuỗi sản phẩm đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối và cung ứng cho các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được hình thành và hoạt động ổn định đã góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt chuẩn, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn ở một số địa phương chưa được quan tâm; quy mô, sản lượng hàng hóa các chuỗi còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được các chuỗi sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, sản lượng ổn định; liên kết chưa thực sự bền vững; tỷ lệ chuỗi sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn tiên tiến đạt thấp, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định; trình độ, năng lực tổ chức sản xuất, phát triển thị trường của các chủ thể liên kết còn hạn chế...
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay bình quân mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng gần 15.000ha rau xanh các loại, cung cấp cho thị trường trên 400.000 tấn/năm. Toàn tỉnh cũng có trên 1.300 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp. Tổng đàn trâu, bò đạt gần 170 nghìn con; tổng đàn lợn đạt trên 689 nghìn con, tổng đàn gia cầm đạt trên 16,1 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 189,2 nghìn tấn và hàng triệu quả trứng gia cầm các loại. Hoạt động của các hợp tác xã, trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn đã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với nhiều doanh nghiệp. Đây là cơ sở vững chắc để góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Cùng với rau màu, hoa quả, tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất chè đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. |
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục mở rộng nâng cao hiệu quả đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, sản, thủy sản an toàn hiện có; xây dựng và phát triển mới các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, bình quân mỗi huyện, thành, thị xây dựng 3 - 4 chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn. Phấn đấu giá trị sản lượng tăng 30% so với năm 2022; tỷ lệ cơ sở có sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP, ISO…) đạt trên 70%; Tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực (chè, bưởi, chuối, rau an toàn, các sản phẩm chăn nuôi…) quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp; trong đó phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chủ lực được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 30%, (sản lượng chè 68,25 nghìn tấn, sản lượng bưởi là 21,77 nghìn tấn, sản lượng thịt các loại là 80,1 nghìn tấn; sản lượng rau là 100 nghìn tấn... tổng giá trị sản phẩm đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp thủy sản; Đồng thời, 100% sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; 100% chủ thể tham gia chuỗi được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường.
Phú Thọ đẩy mạnh xây dựng các cơ sở tham gia chuỗi liên kết, trong đó đối với chuỗi liên kết giữa cơ sở sản xuất với cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm: Các cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương; Cửa hàng, quầy hàng giới thiệu, quảng bá và cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn đạt tiêu chí về cơ sở vật chất kỹ thuật theo thiết kế mô hình chợ an toàn thực phẩm.
Đối với chuỗi do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là chủ sở hữu và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm: Có quy trình và cơ chế giám sát về an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương theo quy định Sản phẩm chuỗi có tem nhãn, mã số, mã vạch để nhận diện sản phẩm.
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, đối với các chuỗi hiện có, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, thu hút thêm các thành phần kinh tế tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực đảm bảo hiệu quả, bền vững; Thu hút thêm 45 chủ thể (08 doanh nghiệp, 37 hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại...) làm đầu mối xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm thủy sản an toàn gắn kết các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản, các hệ thống bán buôn, bán lẻ, các siêu thị, chợ đầu mối... thông qua hợp đồng tiêu thụ; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị bền vững tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất an toàn tại các HTX, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản trên địa bàn |
Hướng tới mục tiêu phát triển các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng và lợi thế, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, sử dụng các giống chất lượng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững.
Đồng thời thực hiện tốt việc tổng kết, đánh giá, tuyên truyền nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, đề tài khoa học; Xây dựng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng, an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT và cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có trên 1700 chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn với sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, các địa phương đang tiếp tục duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chủ động trong việc xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm ở thị trường trong nước và sản phẩm nông sản xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn các địa phương tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; xây dựng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản tại địa phương từ vùng nguyên liệu, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, hoạt động xuất khẩu.
Mặt khác, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường; chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn:Mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn