Một số địa phương ghi nhận lượng mưa cao nhất lịch sử trong 45 năm qua
Đánh giá về tình hình thời tiết trong 1 tháng vừa qua, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, chiều ngày 30/5, vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đến chiều ngày 31/5, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và đây là cơn bão đầu tiên trên khu vực Biển Đông trong năm 2024 (Bão số 1, tên quốc tế là MALIKSI).
Trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra nhiều trận dông, lốc và mưa đá, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc Bộ, Trung Bộ và một số nơi thuộc Tây Nguyên. Ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ đã xảy ra 01 đợt nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt vào các ngày từ 26-30/5; trong đó khu vực Thanh Hóa đến Ninh Thuận có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với mức nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36,0-39,0 độ C, có nơi trên 40,0 độ C. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ liên tục duy trì nắng nóng từ ngày 11-31/5.
Bước sang đầu tháng 6, tình trạng nắng nóng chỉ còn duy trì trên khu vực Nam Bộ nhưng cường độ và phạm vi nắng nóng giảm dần. Trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử. Nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 1,0-2,0 độ C, có nơi cao trên 2,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu nhấn mạnh, diễn biến thời tiết 1 tháng qua đáng chú ý nhất là về lượng mưa. Tại khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông, trong đó vào các ngày 19/5, 5/6, 08- 09/6 đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to, đặc biệt trong thời kỳ từ ngày 08-09/6 một số nơi tại khu vực ven biển Đông Bắc Bộ đã có lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử.
Một số địa phương ghi nhận lượng mưa cao nhất lịch sử trong 45 năm qua |
Điển hình có thể kể đến các khu vực như: Phố Ràng (Lào Cai) lượng mưa đạt 114,6mm, vượt giá trị lịch sử trong 4 năm M Đrắk (Đắk Lắk) với lượng mưa 147,8mm, vượt giá trị lịch sử trong 13 năm; Móng Cái (Quảng Ninh) có lượng mưa 299mm, vượt giá trị lịch sử trong 16 năm; Quảng Hà (Quảng Ninh) có lượng mưa cao kỷ lục là 367mm, vượt giá trị lịch sử trong 21 năm; Tiên Yên (Quảng Ninh) mưa lớn 334mm, vượt giá trị lịch sử trong 23 năm; Bãi Cháy (Quảng Ninh) mưa lớn 307mm, vượt giá trị lịch sử trong 21 năm; Phù Liễn (Hải Phòng) với lượng mưa 228mm đã vượt giá trị lịch sử trong 45 năm. Đây là các trận mưa ghi nhận được trong ngày 9/6 vừa qua.
Ở khu vực Trung Bộ nhiều ngày có mưa rào và dông rải rác, trong đó ngày 31/5 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
"Thời kỳ từ ngày 11/5-10/6/2024, tổng lượng mưa trên cả nước cao hơn từ 20-60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; riêng khu vực Tây Nguyên và miềnTây Nam Bộ tổng lượng mưa thấp hơn từ 20-60% so với trung bình nhiều năm", ông Nguyễn Đức Hòa cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đợt mưa lớn với lượng mưa có nơi trên 400mm xảy ra trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua không phải bất thường. Lý do, trong tháng 6, Bắc Bộ vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa và chịu tác động của những đợt không khí lạnh khả năng gây mưa lớn. Trung tâm vẫn có những cảnh báo sớm để các địa phương có thể đưa ra phương án phòng chống thiên tai phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng đưa ra dự báo, từ nay đến ngày 10/7, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn khoảng 1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Bão, áp thấp nhiệt đới trong thời kỳ dự báo, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện. Xác suất xuất hiện cao hơn xảy ra vào thời kỳ đầu tháng 7/2024. Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cảnh báo thêm, từ nay đến đầu tháng 7, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Tại khu vực Trung Bộ thời kỳ này vẫn có khả năng ít mưa và nắng nóng còn xuất hiện nhiều, đặc biệt tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ, dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao.
Nguồn: Một số địa phương ghi nhận lượng mưa cao nhất lịch sử trong 45 năm qua