Một số ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Được biết, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo Luật ĐC&KS) tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Nhằm góp thêm tiếng nói, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, khoa học, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường xin đăng tải nội dung của luật sư Phan Nghiêm (Đoàn luật sư Hà Nội) xung quanh vấn đề trên.
Dự thảo lần 4 Luật ĐC&KC được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương (tăng 01 chương và 31 điều so với Luật khoáng sản 2010).
Nhận thấy, về cơ bản Dự thảo luật ĐC&KC đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế và bất cập không còn phù hợp với thực tiễn sau 13 năm thực hiện theo Luật khoáng sản 2010.
Điển hình là các bất cập về thủ tục hành chính phức tạp như chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng các thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp; Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt dẫn đến một mặt gây gánh nặng cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, mặt khác không đảm bảo tính chính xác dẫn đến các cơ quan quản lý Nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác…
Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và đưa ra các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì Dự thảo vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề cần thiết phải đưa ra mổ xẻ để sửa đổi, bổ sung trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Cụ thể là các vấn đề sau:
1. Bổ sung trách nhiệm quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 112 Dự thảo lần 4)
Các đối tượng (Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân) được cấp phép khai thác khoáng sản (gọi tắt là “Chủ đầu tư” hay “Tổ chức, cá nhân”) phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế tài của pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, để triển khai được hoạt động khai thác khoáng sản, các chủ thể phải huy động vốn đầu tư rất lớn cho việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật mỏ, trang thiết bị công nghệ khai thác, các giải pháp về bảo vệ môi trường và nộp tiền cấp quyền, thuế, phí theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Điều 112 của Dự thảo luật mới chỉ đề cập đến việc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng thanh tra, giám sát, tuyên tuyên, giáo dục pháp luật và xử lý vi phạm về khoáng sản theo thẩm quyền đối với các chủ thể mà chưa có khoản, mục quy định rõ về:
(i) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi có dấu hiệu lạm quyền để nhũng nhiễu, hạch sách Chủ đầu tư trong quá trình khai thác;
(ii) Trong trường hợp Chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong quá trình khai thác mà người dân vùng lân cận mỏ có nhiều đơn từ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo Chủ đầu tư không có căn cứ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác và gây thiệt hại cho Chủ đầu tư thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương bị xử lý ra sao?
(iii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án khai thác khoáng sản lại quy định:Khoáng sản chính và các loại khoáng sản đi kèmtrong quá trình khai thác, phân loại, chế biến cho các dự án, nhà máy chế biến và nhu cầu sử dụng trong tỉnh;
(iii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và nạn mua bán hóa đơn tài chính nhằm hợp thức hóa cho việc khai thác trái luật.
(iv) Để xảy ra tình trạng Chủ đầu tư tự ý khai thác vượt trữ lượng, vượt ranh giới của hồ sơ thiết kế được quy định trong Giấy phép khai thác.
Bởi trên thực tế, không thiếu trường hợp xảy ra khi không hiểu do vô tình hay cố ý mà nhiều đơn khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo của người dân có sự tiếp tay của không ít tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan Nhà nước tại địa phương hòng thực hiện các mưu đồ hạch sách các Chủ đầu tư.
Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý dẫn đến làm ngơ trước việc để nạn khai thác khoáng sản trái phép tràn lan tại địa phương mình hoặc để xảy ra tình trạng Chủ đầu tư tự ý khai thác vượt trữ lượng, vượt ranh giới và hồ sơ thiết kế được quy định trong Giấy phép khai thác, vô hình chung đã gây ra một hệ lụy xấu trong việc làm “chảy máu” nguồn tài nguyên khoáng sản, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước và gây thiệt hại cho chính các Chủ đầu tư khai thác đúng Giấy phép khai thác.
Xét thấy việc cấp phép và khai thác khoáng sản là lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm nên nếu không quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với việc tuyên truyền, bổ phiến pháp luật đến người dân địa phương thì việc lạm quyền khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo không có căn cứ có thể gây ra sự đình trệ trong hoạt động khai thác dẫn đến thiệt hại cho Chủ đầu tư.
Việc bảo hộ cho Nhà đầu tư cần được đưa và quy định cụ thể tại luật này (ngoài các chính sách bảo hộ Nhà đầu tư được quy định chung trong Luật đầu tư).
Do đó cần thiết phải quy định bổ sung và chi tiết vào Dự thảo luật ĐC&KC các vấn đề sau:
(i) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với trường hợp không tuyên truyền và phổ biến pháp luật kịp thời, khách quan và đầy đủ đối với người dân địa phươngthì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Chủ đầu tư;
(ii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh khi ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án khai thác khoáng sản lại quy định:Khoáng sản chính và các loại khoáng sản đi kèmtrong quá trình khai thác, phân loại, chế biến cho các dự án, nhà máy chế biến và nhu cầu sử dụng trong tỉnh.
Đây là vấn đề bất cập đi ngược lại với tinh thần tạiVăn bản số 10369/VPCP-KTN ngày 18/12/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc bãi bỏ các quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phươngdẫn đến những rào cản cho việc tiêu thụ sản phẩm khoáng sản cho các dự án ngoài tỉnh;
(ii) Nếu để xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc đơn vị mình quản lý mà gây khó khăn, sách nhiễu cho Chủ đầu tư trong quá trình khai thác khoáng sản thì cần có chế tài xử lý thích đáng;
(iii) Trách nhiệm của Chính quyền địa phương - Cơ quan thuế - Bộ đội biên phòng - Công án đối khi để xảy ra tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản “tặc” và nạn mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc trên địa phương mình;
(iv) Công tác thanh, kiểm tra của chính quyền địa phương cần được tăng cường và có kiến nghị kịp thời đối với Cơ quan điều tra để xử lý hình sự khi có tình trạng Chủ đầu tư tự ý khai thác vượt công suất, ranh giới và hồ sơ thiết kế được quy định trong Giấy phép khai thác.
2. Quy định hạn chế, lộ trình dừng việc cấp phép và khai thác cát, sỏi lòng sông (Điều 90 đến Điều 92 Chương VIII của Dự thảo lần 4)
Qua các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cho thấy việc khai thác cát, sỏi lòng sông đã để lại một hệ lụy lâu dài do làm ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở để điều.
Ngoài ra, việc khai thác cát, sỏi lòng sông quá mức dẫn đến mất môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông.
Hơn nữa, khai thác cát, sỏi trực tiếp từ lòng sông đang chảy làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông.
Trong khi đó cát biển được coi là xu thế tất yếu để thay thế cát sông bởi các lý do sau:
Thứ nhất: Nguồn tài nguyên sản xuất vật liệu thay thế cát sông ở Việt Nam rất phong phú, từ cát mỏ đá, đất đồi đặt biệt các vùng miền núi cao, nguồn chất thải từ các ngành công nghiệp khác cơ bản được hoàn thiện hành lang tiêu chuẩn kỹ thuật để sử dụng thay thế cát tự nhiên.
Thứ hai, về cơ bản cát biển và cát sông đều có nguồn gốc phong hóa giống nhau từ các đá trong lục địa, có chung thành phần khoáng vật chính (khoáng vật thạch anh). Nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì loại cát ra được cũng như cát sông. Thậm chí nhiều nhà khoa học uy tín có những kiến cứu cho thấy cát biển còn tốt hơn cát sông.
Thứ ba, Việt Nam đã khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác với trữ lượng khoảng 196 tỷ m3, trong khi tổng trữ trữ lượng của của 330 mỏ cát sông chỉ khoảng 2,3 tỷ m3.
Với trữ lượng cát biển trên thì mới có thể đáp ứng được cho các Dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm quốc gia như Cao tốc Bắc Nam, các trục giao thông liên tỉnh…vì lượng cát sông ngày càng khan hiếm và sự.
Thứ tư, cát biển có ưu điểm là có thể khai thác bằng tàu công suất lớn, cơ khí hóa cao nên giá thành thấp hơn, an toàn lao động cao hơn, giảm thiểu việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xử lý, bồi hoàn môi trường sau khai thác. Nếu khai thác đúng luồng lạch sẽ hạn chế sạt lở bờ biển, cát tại các cồn ở biển có ít tạp chất hữu cơ.
Thứ năm, theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo an toàn không sạt lở bờ biển như bờ sông thì chỉ nên khai thác cát biển ở vùng biển có độ sâu, khoảng cách xa bờ biển, đảo và độ sâu khai thác vào đáy biển theo tỷ lệ đảm bảo.
3. Hoàn thiện quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển (Điều 11 đến Điều 16 Dự thảo lần 4 về quy hoạch Địa chất, Khoáng sản)
Nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km, có tiềm năng cát biển lớn. Theo số liệu điều tra, đến nay các cơ quan đã khoanh định được 9 vùng triển vọng cát biển làm vật liệu xây dựng loại A và 58 vùng loại B. Nhưng không phải cả 9 vùng này có thể khai thác được ngay. Bởi mỗi vùng biển muốn khai thác cát trước tiên phải nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường sinh thái.
Trong đó, cần đánh giá rõ biến đổi địa hình đáy biển, xói lở bờ biển, ô nhiễm nước biển, hệ sinh thái vùng biển trước khi khai thác. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có đủ hành lang pháp lý dẫn tới các đơn vị, doanh nghiệp chậm hoặc không thể thăm dò, khai thác cát biển do chưa có một quy trình kỹ thuật chuẩn hướng dẫn điều tra, thăm dò khoáng sản ở biển…
Do đó cần hoàn thiện trong Dự thảo Luật này đối với nội dung về quy hoạch khai thác cát biển để khoanh định các vùng khoáng sản cát biển mới phục vụ nhu cầu cát tăng cao trong những năm tơi, có cơ chế khuyến khích để tập trung quy hoạch khai thác các vùng biển mở rộng từ các mỏ được cấp phép khai thác và có nhà máy chế biến khoáng sản.
4. Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các Chủ đầu tư khai thác và có nhà máy chế biến khoáng sản không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104 Dự thảo lần 4)
Cần có sự phân định rõ ràng hơn về việc chỉ yêu cầu bắt buộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thô tại khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ; khu vực khai thác tận khu khoáng sản dù quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.
Đối với các tổ chức, cá nhân khai đã từng được cấp phép khai thác, có nhà máy chế biến sâu và đã được phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT thì không thuộc đối tượng phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức, cá nhân thăm dò, khảo sát và khai thác theo quy hoạch khoáng sản mà phát hiện ra các các loại khoáng sản khác ngoài giấy phép thì cần ưu tiên áp dụng việc chỉ định cho họ khai thác mà không cần thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ví dụ đối với cát biển thì tại các khu vực đã được quy hoạch, bổ sung thăm dò, khai thác cát biển có nhà máy tuyển rửa chế biến thành cát xây dựng, cát thủy tinh, cát kỹ thuật, cát phủ bề mặt…. cần có chính sách không áp dụng quy định về đấu giá quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, có nhà máy tuyển rửa chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là cát nhiễm mặn; Ưu tiên cấp mỏ cho các tổ chức, cá nhân có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản.
5. Cần có chính sách linh hoạt cho tổ chức, cá nhân được lựa chọn khai thác chủng loại khoáng sản và công suất khai thác của từng chủng loại theo nhu cầu của thị trường tại từng thời điểm nhưng vẫn đảm bảo nằm trong tổng trữ lượng và thời gian khai thác theo giấy phép khai thác.
Các giấy phép khai thác khoáng sản được cấp hiện đang hơi cứng nhắc trong việc quy định về tỷ lệ chủng loại và công suất khai thác của mỗi loại khoáng sản hằng năm. Việc quy định này dẫn đến các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sẽ bị động về nhu cầu thì trường.
Ví dụ Giấy phép khai thác cho hai chủng loại cát là Cát trắng thủy tinh và cát san lấp theo một tỷ lệ nhất định cho mỗi chủng loại hằng năm nhưng có năm nhu cầu thị trường của lại ngược lại với tỷ lệ từng chủng loại cát được quy định trong giấy phép nên tổ chức, cá nhân bị động, mất khách hàng, mất doanh thu, tức thất thu cho Ngân sách Nhà nước.
Việc cho phép tổ chức, cá nhân được linh hoạt khai thác từng chủng loại cát nhưng vẫn đảm bảo công suất khai thác tổng các chủng loại hàng năm được quy định trong giấy phép và đảm bảo tổng trữ lượng khai thác trong toàn bộ thời gian khai thác được quy định trong giấy phép.
6. Bổ sung trong dự thảo Luật quy định để đồng bộ hóa với pháp luật hình sự trong việc xử lý nghiêm các chủ đầu tư sử dụng khoáng sản (cát) cho Dự án hạ tầng của mình có nguồn gốc từ việc khai thác trái phép, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát.
Nguyên nhân chính của việc khai thác khoáng sản (cát) trái phép xảy ra tràn lan tại các địa phương trong thời gian qua là do nhiều chủ đầu tư dự án lớn có nhu cầu về khoáng sản (cát) và lại muốn mua với giá rẻ nên đã tiếp tay cho không ít tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác nổi lòng tham để khai thác trái phép gây hủy hoại môi trường, làm “chảy máu” nguồn tài nguyên, làm gia tăng việc mua bán hóa đơn tài chính để hợp thức hóa nguồn gốc, làm thất thu ngân sách Nhà nước và đặt biệt là làm thiệt hại nghiêm trọng cho các tổ chức, cá nhân khai thác hợp pháp theo giấp phép được cấp.
Cần rà soát, thanh tra lại các Dự án hạ tầng lớn có dấu hiệu sử dụng khoáng sản (cát) trái phép để gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng, truy thu và xử lý nghiêm hành vi sử dụng khoáng sản (cát) từ các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép để ngăn chặn kịp thời việc khai thác khoáng sản trái phép trên nhiều địa phương trong cả nước.
Ngoài ra, về vấn đề mỏ đất, đá thải tại một số địa phương đang gây nhức nhối trong dư luận gần đây nên cần đánh giá lại khu vực khai thác mỏ đất, đá thải trong việc cung cấp cho các dự án lớn có sử dụng ngân sách nhà nước, có nguy giảm chất lượng công trình, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được quyết toán theo định mức giá nguyên liệu chuẩn theo đơn giá Nhà nước ban hành để có những điều chỉnh kịp thời trước khi Dự thảo luật ĐC&KS chính thức được thông qua.
Nguồn: Một số ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản