Mục tiêu đến năm 2030, nghề nuôi biển đạt sản lượng 1,45 triệu tấn
Rà soát lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam Nguồn cung tăng mạnh, giá thịt lợn, gà lông chìm sâu dưới đáy |
Nuôi trồng thuỷ sản trên biển (nuôi biển) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển của Việt Nam đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 đến 2 tỷ USD. Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu.
(Ảnh minh hoạ)
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị quán triệt nhận thức chung đến các cấp lãnh đạo và quản lý tại địa phương về định hướng phát triển kinh tế biển và chủ trương "Giảm khai thác - tăng nuôi trồng" để cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, thống nhất nhận thức và hành động. Trong quá trình thực hiện chủ trương này phải đặc biệt lưu ý triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp cho lực lượng lao động khai thác hải sản ven bờ và các dịch vụ liên quan nhằm tạo sinh kế, đảm bảo ổn định xã hội;
Các địa phương cần tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm nghề phải chuyển đổi theo quy định, kết hợp với kế hoạch phát triển nuôi biển của địa phương để có giải pháp tổ chức, triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ năng, chuyên môn cho lực lượng lao động cần chuyển đổi nghề và có cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý để người dân tự nguyện tham gia.
Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý quán triệt tư duy phát triển kinh tế nuôi biển phải tích hợp đa giá trị, hài hòa với các ngành kinh tế có liên quan, như giao thông, du lịch, điện gió, xây dựng nông thôn mới... Tổ chức hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân tham gia nuôi biển.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nuôi biển bền vững, hạn chế các xung đột lợi ích trong không gian biển.
Nguồn:Mục tiêu đến năm 2030, nghề nuôi biển đạt sản lượng 1,45 triệu tấn