Mục tiêu và lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn của Việt Nam đến 2045
Mục tiêu đó được đề cập trong Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát.
Ảnh minh hoạ. ITN |
Kế hoạch đề ra mục tiêu quản lý, loại trừ hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal thông qua chuyển đổi công nghệ và sử dụng các chất có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng “0”; triển khai các giải pháp làm mát bền vững, phấn đấu đến năm 2045 giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát. Kế hoạch cũng đề ra các mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện đến năm 2045.
Các mục tiêu cụ thể
Về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát: Thực hiện tốt cam kết không sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ các chất, sản phẩm, thiết bị có chứa hoặc sản xuất từ các chất Bromochloromethane, CTC, CFC, Halon, HBFC, Methyl chloroform, HCFC 141b và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol; không nhập khẩu và xuất khẩu các chất HCFC khác từ năm 2040; chỉ nhập khẩu, sử dụng chất Methyl bromide cho mục đích khử trùng, kiểm dịch hàng xuất khẩu; giảm dần lượng tiêu thụ các chất HFC và duy trì ở mức 20% lượng tiêu thụ cơ sở từ năm 2045.
Về quản lý sản phẩm, thiết bị sử dụng các chất HCFC và HFC theo giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP): Sản phẩm, thiết bị sản xuất, nhập khẩu sử dụng các chất được kiểm soát có GWP được giảm theo lộ trình nêu tại mục III của nội dung Kế hoạch. Cải thiện hiệu suất năng lượng trung bình của thiết bị sản xuất và nhập khẩu sử dụng chất được kiểm soát vào năm 2030 phấn đấu đạt 50% so với năm 2022.
Về quản lý vòng đời các chất được kiểm soát: Các kỹ thuật viên thực hiện hoạt động lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa sản phẩm, thiết bị chứa các chất được kiểm soát có văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận phù hợp theo quy định. Các chất được kiểm soát được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng và tái chế đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, sau khi tái chế nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sẽ được xử lý để tiêu hủy theo quy định. Phổ biến và nhân rộng các mô hình về cơ chế tạo tín chỉ các-bon từ hoạt động tái chế và xử lý các chất được kiểm soát.
Về làm mát bền vững: Yêu cầu về giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, chống chịu với nắng nóng cực đoan được nghiên cứu, lồng ghép trong các chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp tỉnh, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của quốc gia và từng địa phương, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan của tỉnh. Hoạt động làm mát bền vững được triển khai thực hiện tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I và loại II. Những công trình xây dựng mới đạt chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, vận hành; tòa nhà xây dựng mới đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng đáp ứng mức cân bằng về năng lượng (NZEB); tăng diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị. Phổ biến, nhân rộng các mô hình về làm mát bền vững, mô hình kinh doanh dịch vụ làm mát tại các khu đô thị, khu dân cư, tòa nhà văn phòng, thương mại và công trình công cộng.
6 nhóm giải pháp
Kế hoạch đề ra lộ trình cụ thể thực hiện theo từng giai đoạn đối với các nhóm đối tượng, nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan đến các chất được kiểm soát để đạt được mục tiêu đề ra. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch gồm 6 nhóm:
(i) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách;
(ii) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
(iii) Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
(iv) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức;
(v) Hợp tác song phương và đa phương, huy động nguồn lực;
(vi) Giám sát, đánh giá.
Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các Quỹ (Quỹ BVMT Việt Nam, Quỹ BVMT và Quỹ Đầu tư phát triển cấp tỉnh), tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định. Khuyến khích huy động hợp tác hỗ trợ từ tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các định chế tài chính trong nước, quốc tế, khu vực tư nhân và thông qua cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để triển khai thực hiện.
Nguồn: Mục tiêu và lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn của Việt Nam đến 2045