Năm Quý Mão, lãi suất cho vay sẽ diễn biến như thế nào?
Hàng quán TPHCM mở cửa mùng 3 Tết, chưa ghi nhận tình trạng "chặt chém" Nhiều chuyến hàng nông sản xuất khẩu khai xuân mùng 1 Tết |
Trong báo cáo cập nhật triển vọng mặt bằng lãi suất năm 2023, FiinGroup cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục là biến số vĩ mô chi phối thị trường chứng khoán Việt Nam, tác động mạnh lên triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp cũng như về thanh khoản thị trường và xu hướng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân/nước ngoài.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, lãi suất huy động tăng khoảng 5 điểm % so với nửa đầu năm, lên mức 9%- 10%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay đối với khối doanh nghiệp hiện đang ở mặt bằng cao, bình quân ở mức 10,3% ở khối Ngân hàng Thương mại nhà nước và 13%-15% ở các Ngân hàng Thương mại cổ phần.
Lãi suất tăng cao khiến chi phí vốn đắt đỏ hơn và vượt ngưỡng “chịu đựng” của các doanh nghiệp niêm yết nếu xem xét trên bình diện chung dựa vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư ROIC (khoảng 9,3% tính cho Q3/2022).
Một số ngành sẽ gặp áp lực lớn trong môi trường lãi suất tăng cao gồm các nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng, Thép, Điện tử, Thực phẩm, Bán lẻ, Than. Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này đang ở mức cao trong khi triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không khả quan, đặc biệt là đối với ngành Bất động sản và Xây dựng.
Ngoài hệ lụy từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của FED, mặt bằng lãi suất cao này còn gây ra bởi tình trạng “nghẽn” dòng tiền trong nước.
Trong thời gian tới, FiinGroup đánh giá, trên thị trường quốc tế, lạm phát hiện vẫn khá cao so với mục tiêu và do đó, FED được dự báo sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023 (hiện tại là 4,33%) cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Ở trong nước, hoạt động cho vay gặp khó, ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường Trái phiếu doanh nghiệp và Bất động sản đang khiến tình trạng “nghẽn” thanh khoản chưa thể sớm cải thiện. Như vậy, môi trường vĩ mô bên trong và bên ngoài đều chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6-12 tháng tới.
"Với dự báo này, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm trước năm 2024, đặc biệt khi điểm “nghẽn” về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý", báo cáo FiinGroup nhấn mạnh.
Dự báo về xu hướng lãi suất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng quá trình tăng lãi suất NHTW lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, NHTM cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1 - 1,5 điểm %.
Mặt khác, biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Do đó, năm 2023 lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.
VCBS cũng cho rằng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các NHTM sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng.
''Dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành'', nhóm phân tích nhận định.
Nguồn: Năm Quý Mão, lãi suất cho vay sẽ diễn biến như thế nào?