Nan giải bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề đá Ninh Vân
Bình Định: Ô nhiễm môi trường từ sản xuất xơ dừa Ứng Hòa - Hà Nội: Người dân kêu cứu vì doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường |
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của làng nghề đá Ninh Vân như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp thuế cho ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên sự phát triển của làng nghề nơi đây đang ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bụi đá bủa vây
Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã có lịch sử từ hơn 400 năm qua. Cả xã có 13 thôn thì cả 13 thôn đều làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Theo thống kê trên địa bàn xã Ninh Vân hiện nay có khoảng hơn 1.000 hộ sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ.
Ngay từ khi bước vào cổng làng đá mỹ nghệ không khó để nhận ra tình trạng ô nhiễm. Dọc 2 bên đường từ đầu xã đến cuối xã là tiếng ồn ào của máy cưa xẻ đá, bụi đá trong chế tác phủ trắng xóa cả khu, bên cạnh đó là nước thải trong lúc chế tác đá mỹ nghệ được thải trực tiếp ra môi trường. Nhà cửa, cây cối nơi đây đều được phủ một lớp màu trắng từ bụi đá.
Ông Đặng Văn L trú tại thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân cho biết: “Nhà cửa chúng tôi luôn trong tình trạng cửa đóng then cài vì tiếng ồn và bụi đá do việc chế tác đá gây ra. Bụi đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp của chúng tôi, nhiều người xung quanh đây thường mắc các bệnh về phổi, viêm xoang. Tiếng máy cắt đục đá khiến chúng tôi mất ngủ trầm trọng”.
Ông Đào Sỹ T, thôn Chấn Lữ cho biết: “Nắng thì bụi mù bao phủ cả khu vực, mưa đến thì lầy lội, khiến cho cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn”.
Người lao động làm việc thường xuyên trong môi trường khói, bụi. Chất lượng môi trường khu dân cư chịu ảnh hưởng lớn. |
Khó khăn trong công tác xử lý
Được biết năm 2004, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 23ha thuộc 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành, thực hiện trong 2 giai đoạn với kỳ vọng đưa hết số hộ làm đá ra sản xuất tập trung, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ với khu dân cư, gây cản trở giao thông, tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2005 đến năm 2008 giai đoạn 1 hoàn thành với diện tích 11ha, nhưng mới chỉ đưa được 70 hộ chế tác vào đó sản xuất. Đến cuối tháng 8/2015, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Ninh Vân với tổng diện tích 30,64 ha. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn rất nhiều cơ sở chưa chuyển vào khu quy hoạch.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Ngọc Tuyên chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: “Xã cũng phối hợp với các cấp ban ngành để xây dựng đề án tìm phương hướng xử lý giảm thiểu ô nhiễm cho làng nghề đá mỹ nghệ. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất máy công nghệ cao, máy phun nước để giảm khói bụi trong lúc chế tác. Hàng năm, xã thường xuyên tuyên truyền cho các cơ sở về việc sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường, vận động các cơ sở chuyển vào khu quy hoạch. Việc các cơ sở sản xuất không vào khu tập trung quy hoạch làng nghề mà nằm xen kẽ giữa các hộ dân cư nên việc xử lý chất thải, khói bụi gặp nhiều khó khăn và cần nhiều kinh phí.”
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cần sự chung tay của các ban ngành, chính quyền cũng như của các hộ sản xuất. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đem lại môi trường xanh – sạch – đẹp cho người dân nơi đây.
Nguồn:Nan giải bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề đá Ninh Vân