Nâng cao giá trị sản phẩm chè từ các làng nghề
Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước, với trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000 tấn, giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, giống, nhằm năng cao năng suất, chất lượng cây chè. Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Với sự ổn định về chất lượng và sản lượng, sản phẩm chè Thái Nguyên đang được khẳng định tại thị trường trong nước và thế giới. Tháng 8-2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đến tháng 3-2018, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia này cấp văn bằng bảo hộ.
Các làng nghề chè trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng nguồn thu nhập cho người dân mà còn nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm chè. |
Xác định phát triển các làng nghề chè không chỉ giải quyết được việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân, mà còn từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người sản xuất, kinh doanh chè, nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm chè. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến…
Trong đó nổi bật nhất là các làng nghề được tham gia tập huấn ứng dụng mô hình khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, chuyển đổi một số giống mới đưa vào sản xuất, kinh doanh, một số đã đưa giống mới vào trồng thay thế cây chè trung du cũ có năng suất thấp, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được các hộ tại các làng nghề quan tâm và sản xuát chè an toàn theo quy trình VietGAP. Qua đó, đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè của các làng nghề.
Huyện Đại Từ hiện có 53 làng nghề chè tại 16 xã, thị trấn (trong đó có 39 làng nghề chè truyền thống), với gần 5.000 hộ làm nghề, tổng diện tích chè là trên 2.000ha. Hàng năm, Phòng NN&PTNT huyện đều phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn cho các thành viên ban quản lý làng nghề chè về kiến thức sản xuất, chế biến chè an toàn; hướng dẫn các làng nghề, làng nghề chè truyền thống thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ các làng nghề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu sản phẩm…
Tại huyện Đại Từ, diện tích chè giống mới tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống trên địa bàn chiếm trên 80% tổng diện tích (tăng 20% so với năm 2018). Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.600ha, quy trình hữu cơ là 15ha. Năm 2022, năng suất chè của toàn huyện đạt 110-115 tạ/ha/năm (tăng 20-25 tạ/ha so với năm 2018). Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha chè đạt trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân của người dân tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống đạt 6 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 1 triệu đồng so với năm 2018). Cũng trong năm 2022, tổng doanh thu của các làng nghề, làng nghề chè truyền thống trên địa bàn huyện Đại Từ đạt gần 174 tỷ đồng. Hiện nay, 135 tổ sản xuất tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, dán tem truy xuất nguồn gốc…
Định Hóa là địa phương có diện tích chè đứng thứ 4 của tỉnh, với 2.690ha Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa đã hình thành 19 làng nghề chè đặc sản nổi tiếng, tiêu biểu như: Làng nghề chè Quỳnh Hội, xã Trung Hội; làng nghề chè Sơn Thắng, làng nghề chè Phú Hội, xã Sơn Phú; làng nghề chè Phú Ninh 1, 2, 3, xã Phú Đình… Việc phát triển các làng nghề chè cùng với chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Các làng nghề chè trong huyện đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng chè búp tươi của huyện năm 2022 đạt 28.950 tấn (tăng gần 5.000 tấn so với 5 năm trước đây).
Toàn huyện đã có 364ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, trên 50ha đang bắt đầu chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ… Hiện nay, huyện đang tập trung đầu tư để tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè của địa phương. Huyện đã có 3 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, có giá bán từ 300-500 nghìn đồng/kg. Trong năm 2023, địa phương phấn đấu có thêm từ 2-3 sản phẩm chè của các HTX đạt chứng nhận OCOP.
Các làng nghề chè tăng cường ứng dụng mô hình khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm chè. Ảnh: HN. |
Từ năm 2011, huyện Võ Nhai có Làng nghề chè Chiến Thắng, xã Bình Long, được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề. Và đến nay đã có 13 làng nghề chè trên địa bàn huyện được công nhận, trong đó có 5 làng nghề truyền thống. Được khuyến khích từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thị trường tiêu thụ mở rộng, các làng nghề chè trên địa bàn đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông thôn. Đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; bảo tồn và phát huy được các làng nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương; nâng cao đời sống của người dân và góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Các làng nghề chè được công nhận hiện có khoảng 2,5 nghìn lao động, trong đó khoảng 1,7 nghìn lao động thường xuyên, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất chè và có thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, toàn huyện có 5 HTX hoạt động trong các làng nghề chè; doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề chè hàng năm ước đạt gần 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các làng nghề chè phát triển đã làm tăng trưởng khá lớn diện tích trồng chè trên địa bàn huyện. Tính đến nay, toàn huyện Võ Nhai có trên 1,3 nghìn ha trồng chè (tăng hơn 2 lần so với năm 2010), cho sản lượng khoảng 13 nghìn tấn búp tươi/năm. Trong đó, có trên 60% diện tích chè được trồng bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao. Cây chè Võ Nhai được trồng và phát triển thành những vùng sản xuất tập trung ở xã: Tràng Xá, Liên Minh, Phú Thượng, xã Bình Long… Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 2 làng nghề chè được công nhân và đến năm 2030 có thêm 3 làng nghề.
Trong tổng số 277 làng nghề được công nhận, tỉnh Thái Nguyên có đến 256 làng nghề chè (chiếm trên 92%). Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, vì vậy các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển và nâng cao kỹ thuật cho người sản xuất chè tại các làng nghề; chuyển đổi từ trồng chè hạt sang các giống mới cho năng suất, chất lượng cao.
Để các làng nghề phát triển bền vững, thành phố cũng tạo mọi điều kiện hỗ trợ các làng nghề thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm; khuyến khích thành lập các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất để có đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu; xây dựng vùng chè an toàn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư trang thiết bị máy móc, tổ chức cho các hộ trong làng nghề được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chế biến chè chất lượng cao, bảo đảm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nguồn:Nâng cao giá trị sản phẩm chè từ các làng nghề