Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị của Đảng trong bối cảnh mới
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng đa dạng các kênh truyền thông để tuyên truyền, giao tiếp, trao đổi, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm giải thích, giải đáp và tạo sự đồng thuận, ủng hộ, khơi dậy quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, quyết sách chính trị của Đảng trong thực tiễn. Tuy nhiên, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đang tạo ra những cơ hội mới;đồng thời, cũng đặt ra những thách thức, áp lực lớn, đòi hỏi Đảng phải đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo trong công tác tuyên truyền, thuyết phục và vận động của Đảng hiện nay.
2. Những thách thức mới trong công tác tuyên truyền chính trị của Đảng hiện nay
Tuyên truyền chính trị là bộ phận của công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội của Việt Nam. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng để truyền bá, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy tính sáng tạo, động viên quần chúng Nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, là vũ khí sắc béntrong việc cung cấp và định hướng thông tin trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới.
Trong công tác tuyên truyền chính trị, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống vẫn là kênh thông tin chính thống, chủ yếu: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”1. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông số và internet, mạng xã hội đang ngày càng chiếm ưu thế, trở thành một phương tiện phổ biến trong công tác tuyên truyền tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo quần chúng Nhân dân.
Hiện nay, hầu hết các cơ quan, sở, ban, ngành từ trung ương đến địa phương đều có trang fanpage để chuyển tải những thông tin chính thức về tình hình các mặt của Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương, đồng thời, trở thành kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin từ người dân, qua đó nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, các lãnh đạo và cá nhân thuộc các tổ chức cũng sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, instagram) như một kênh thông tin để trao đổi, trả lời những vấn đề còn chưa rõ chongười dân, tổ chức, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời. Thông qua nền tảng mạng xã hội, người dân có thể trao đổi, thảo luận, bày tỏ quan điểm cá nhân về các chế độ, chính sách, đường lối đổi mới … của Đảng. Đặc biệt, khi dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến dư luận, mạng xã hội sẽ giúp thu thập ý kiến nhanh chóng và rộng rãi; hoặc khi thông tin chính trị được thảo luận có định hướng trên phạm vi rộng sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân đối với các chính sách. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là phương tiện cổ vũ, tập hợp quần chúng nhân dân hưởng ứng các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt với nhóm công chúng trẻ, chẳng hạn: Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” năm 2021 do VTV Digital thực hiện đã “phá vỡ những định kiến chính trị khô khan” vốn khó tiếp cận với đối tượng trẻ. Chiến dịch đạt được 43 triệu lượt xem và tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội của VTV Digital và VTV2.
Thực tế cho thấy, mạng xã hội đã góp phần lan tỏa với tốc độ nhanh và quy mô rộng khắp những chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, song mạng xã hội cũng đã làm thay đổi một cách căn bản dòng chảy thông tin, từ mô hình truyền thông một nguồn – nhiều người nhận đến mô hình mạng lưới nhiều nguồn – nhiều người nhận. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho công tác tuyên truyền chính trị của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Đó là:
(1) Sự bùng nổ của mạng xã hội khiến tốc độ lan truyền “tin giả”, tin có nội dung “xấu, độc” một cách nhanh chóng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội và uy tín của Đảng và Nhà nước.Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc, kích động bạo loạn, chia rẽ dân tộc; tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; chống phá trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng; xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những hạn chế, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhằm phá hoại sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp những thành tựu to lớn của đất nước trong công cuộc đổi mới; âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội…
(2) Thông tin trên mạng xã hội khó kiểm soát; khả năng lộ bí mật cao và dễ phát tán thông tin nhạy cảm. Nếu chậm trễ trong việc cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận có thể làm giảm sút niềm tin của người dân.
(3) Xuất hiện nhiều tài khoản ảo, nặc danh, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Trên không gian mạng, ai cũng có thể trở thành người cung cấp thông tin khiến cho tình trạng nhiễu loạn thông tin các nguồn tin chính thống.
(4) Dễ bị lôi kéo bởi tâm lý “đám đông”. Chẳng hạn: “người có sức ảnh hưởng” trong xã hội, nếu có “tư tưởng sai lệch” cũng có thể “dẫn dắt dư luận”, tạo ra hiệu ứng “phản đối các chính sách” dù chưa hiểu rõ đúng – sai.
Trước những thách thức trên, cần thiết phải có các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong bối cảnh mới nhằm xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tăng tính thuyết phục, định hướng dư luận xã hội theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế những thông tin sai lệch, phản động, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, công tác tuyên truyền chính trị của Đảng cần được đổi mới theo hướng khai thác và ứng dụng chuyển đổi số, có thể áp dụng một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường phát triển và sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội chính thức phục vụ tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Bên cạnh các kênh truyền thông chính thống mang tính truyền thống, cần chủ động xây dựng và tối ưu hóa các nền tảng truyền thông xã hội chính thức của Đảng và Chính phủ như Facebook, YouTube, Zalo, sử dụng các nền tảng này làm kênh truyền tải thông điệp, chính sách và tương tác trực tiếp với công chúng. Với ưu thế về khả năng tiếp cận số lượng lớn công chúng trong thời gian ngắn, bất kể khoảng cách địa lý, các nền tảng truyền thông xã hội này sẽ giúp chuyển tải thông điệp của Đảng và Chính phủ đến với mọi tầng lớp nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Điều này đã được minh chứng bằng các thông tin về tình hình dịch bệnh hay các hướng dẫn phòng chống, kiểm soát dịch bệnh từ Bộ Y tế trong các đợt bùng phát Covid-19 thời gian qua.
Hai là, sản xuất các nội dung số đa dạng và sáng tạo để tạo tính hấp dẫn cho các thông tin tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Thông tin tuyên truyền vốn mặc định là “khô khan, khó hiểu, khó nhớ”nên việc sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, như: video, hình ảnh, bài viết, infographic, podcast, livestream sẽ giúp thông điệp trở nên sống động, dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có thể được chuyển tải dưới dạng video ngắn trên TikTok hoặc infographic trên Instagram một cách ngắn gọn, sinh động và dễ hiểu, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của công chúng. Sử dụng đồ họa dưới dạng Infographic với các số liệu thống kê, biểu đồ, sơ đồ quá trình, bản đồ có thể truyền tải các thông tin phức tạp, giúp các thông tin này trở nên dễ hiểu và trực quan, đồng thời dễ chia sẻ trên mạng xã hội để tăng phạm vi tiếp cận. Sản xuất các Podcast thảo luận về các vấn đề chính sách, kinh tế, xã hội và tác động của chúng đến đời sống người dân với sự tham gia của các chuyên gia và người dân; chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng từ các lãnh đạo, doanh nhân và những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, cũng có thể tổ chức các buổi họp báo trực tuyến để công bố các thông tin quan trọng và trả lời câu hỏi từ công chúng, các buổi giao lưu trực tuyến với lãnh đạo, chuyên gia hoặc những người nổi tiếng để thảo luận về các chủ đề cụ thể. Hoặc tạo các cuộc khảo sát và thăm dò ý kiến trực tuyến để lấy ý kiến của công chúng về các vấn đề cụ thể. Chẳng hạn: khảo sát trực tuyến về mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công; tổ chức các cuộc thi và thử thách trực tuyến để khuyến khích sự tham gia của công chúng và tạo ra sự tương tác… Có thể thấy, sản xuất “nội dung số” đa dạng và sáng tạo không chỉ giúp truyền tải thông điệp một cách hiệu quả mà còn tạo ra sự hứng thú và nhận được sự tương tác lớn từ người dân. Điều này góp phần quan trọng vào việc xây dựng sự đồng thuận và ủng hộ của công chúng đối với các chính sách và chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Ba là, sử dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa thông điệp và tối ưu hóa chiến lược truyền thông. Các công cụ thu thập dữ liệu từ các nền tảng truyền thông xã hội, website, email marketing và các kênh truyền thông khác sẽ giúp tạo nên bức tranh toàn diện về hành vi và sở thích của người dùng. Các hệ thống quản lý dữ liệu (DMS) và cơ sở dữ liệu đám mây sẽ lưu trữ và quản lý dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả.
Bốn là, cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đủ mạnh để hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền chính trị, bao gồm việc đầu tư vào các hệ thống máy chủ, phần mềm quản lý dữ liệu, mạng lưới internet tốc độ cao và các thiết bị kỹ thuật số hiện đại giúp mật thông tin nhằm chống hiệu quả tin tặc tấn công, lấy cắp thông tin nội bộ, thông tin thuộc bí mật nhà nước trên mạng máy tính; đồng thời, chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng của Đảng cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
4. Kết luận
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền chính trị không chỉ nâng cao hiệu quả truyền thông mà còn tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa Đảng và Nhân dân, xây dựng niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân với Đảng, đồng thời góp phần tạo dựng hình ảnh năng động, hiện đại của Đảng, giúp Đảng thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo xã hội trong thời đại số.
Chú thích:
1. Quốc hội (2016). Điều 4 Luật Báo chí Luật số 103/2016/QH13, ngày 05/4/2016.
2. Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” đạt gần 45 triệu view trên các nền tảng số. https://vtv.vn/xa-hoi/chien-dich-toi-di-bau-cu-dat-gan-45-trieu-view-tren-cac-nen-tang-so-20210525184213921.htm, ngày 25/5/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. https://tuyengiao.vn/doi-moi-noi-dung-phuong-thuc-tuyen-truyen-tao-su-thong-nhat-trong-dang-va-dong-thuan-trong-xa-hoi-131043, ngày 03/12/2019.
3. Tác động của mạng xã hội đến phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/24/tac-dong-cua-mang-xa-hoi-den-phuong-thuc-tuyen-truyen-chinh-tri-cho-thanh-nien/, ngày 24/10/2023.
Nguồn: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị của Đảng trong bối cảnh mới