Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách
Huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách |
1. Cơ sở lý luận về truyền thông chính sách
a. Truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách theo một số quốc gia, tổ chức được gọi là “truyền thông Chính phủ” hoặc “truyền thông chính sách công”, cũng có thể được định nghĩa là tất cả các hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong khu vực công nhằm chuyển tải và chia sẻ thông tin nhằm mục đích tạo ra văn hóa công khai thông tin, đồng thời trình bày và giải thích các quyết định và hành động chính sách của Chính phủ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: “Truyền thông Chính phủ cung cấp các chính sách và dịch vụ góp phần vào các mục tiêu Chính phủ mở, quản trị tốt hơn và cuối cùng là tăng cường dân chủ. Nếu đánh giá đúng về tiềm năng chiến lược truyền thông về chính sách và có sự đầu tư kịp thời và hợp lý, các Chính phủ có thể xây dựng và củng cố niềm tin của công dân đối với chính quyền”1. Lực lượng truyền thông chính sách của Chính phủ là các tổ chức đơn vị, con người làm công tác truyền thông tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nhiệm vụ cung cấp cho người dân các thông tin về công việc của chính quyền, giải thích các chính sách, giải quyết các vấn đề khủng hoảng truyền thông tại tổ chức đơn vị của mình.
b. Công tác truyền thông chính sách
Ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về truyền thông chính sách, thời gian qua, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh trong cách thức tổ chức lực lượng và đầu tư nguồn lực cho công tác này, dẫn đến tình huống một số cơ quan nhà nước còn bị động, lúng túng trong việc chủ động cung cấp thông tin chính sách hoặc thực hiện công việc này chưa thật sự hiệu quả.
Trong điều kiện hiện nay, không gian truyền thông trở lên phức tạp, đa dạng hơn trước rất nhiều, đặc biệt là từ khi xuất hiện các phương thức truyền thông mới trên không gian mạng, thậm chí có lúc các nguồn thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, đòi hỏi chúng ta phải tư duy lại cách thức tổ chức và thực hiện công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới, trên cơ sở phát huy ưu thế sẵn có và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để thống nhất lại nhận thức, hành động và nguồn lực cho công tác này.
Công tác truyền thông chính sách được chú trọng và đổi mới, từ “truyền thông nội bộ” tới truyền thông đại chúng. Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết trung ương tới các Đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được Trung ương triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ sau Đại hội: các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc. Về bản chất, đây cũng chính là đổi mới trong hoạt động “truyền thông” về các chủ trương, chính sách quan trọng của trung ương tới cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động.
Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội được Quốc hội (khóa XV) đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới rõ rệt. Mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đề án truyền thông chi tiết trước, trong và sau kỳ họp, với các mục tiêu, nhiệm vụ và thông điệp cụ thể. Hiện nay, trước mỗi kỳ họp của Quốc hội (khóa XV), Văn phòng Quốc hội đều ban hành Đề án Tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về kỳ họp thứ N của Quốc hội (khóa XV) chia thành 3 giai đoạn2: trước, trong và sau kỳ họp; bảo đảm tuyên truyền đậm nét vào thời gian gần đến ngày khai mạc kỳ họp và trong thời gian diễn ra kỳ họp. Điều này cho thấy, công tác truyền thông là một trong những phương thức quan trọng để gia tăng hiệu quả giám sát và quyết nghị các vấn đề lớn, chính sách lớn của Quốc hội.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ trung ương tới địa phương ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, với hàng trăm hội nghị trực tuyến toàn quốc để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời là những thông điệp có thể được cảm nhận rất rõ qua những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước giờ đây luôn có sự tham gia của lực lượng truyền thông chính sách, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo, được ban hành trong từng giai đoạn.
Nhìn chung, công tác truyền thông chính sách của Chính phủ đã được nâng lên một tầm cao mới. Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông…) đã góp phần rất lớn vào việc truyền tải kịp thời những thông điệp, nội dung quan trọng về chính sách của Nhà nước. Công tác điều tiết, định hướng truyền thông cũng có sự trợ giúp của công nghệ trong việc hỗ trợ, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin… Điều này để nhằm mục tiêu “dân biết – dân hiểu – dân tin – dân theo – dân làm”. Ngoài ra, các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước đang hoạt động ngày một tốt hơn, đặc biệt, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (cả trên web và trên các nền tảng mạng xã hội) đang thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền rất hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các tầng lớp nhân dân và cho báo chí, truyền thông.
Như vậy, truyền thông chính sách là quá trình giao tiếp và trao đổi thông tin liên quan đến các chính sách công, nhằm mục đích cung cấp thông tin, giải thích, và thảo luận về các vấn đề chính sách nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội góp phần hoàn thiện quá trình chính sách bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân, củng cố, xây dựng niềm tin của người dânvới Đảng, Nhà nước về những chính sách đã, đang và sẽ được thực hiện.
2. Một số kết quả và hạn chế
a. Kết quả
Truyền thông chính sách được coi là phương thức quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trongý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” là một nỗ lực thể hiện sự thay đổi lớn trong việc đưa công tác truyền thông chính sách tham gia từ những công đoạn đầu tiên của việc xây dựng pháp luật, trong đó đặt trọng tâm là đánh giá đầy đủ tác động truyền thông, tác động xã hội của việc hoạch định chính sách, pháp luật.
Các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay, bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường minh bạch và công khai thông tin trong truyền thông chính sách. Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã bắt đầu đẩy mạnh việc công khai các dự thảo, chính sách mới và các quyết định thông qua các kênh thông tin trực tuyến, bao gồm trang web của các bộ, ngành và các nền tảng mạng xã hội. Điều này giúp cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và tăng cường sự minh bạch.
Thứ hai, sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách ngày càng được quan tâm. Việc đổi mới truyền thông chính sách tạo điều kiện cho sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Các hội thảo, hội nghị và các buổi tham vấn cộng đồng được tổ chức nhiều hơn nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp.
Thứ ba, bước đầu đã có sự ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa phương tiện trong truyền thông chính sách. Các cơ quan nhà nước đã bắt đầu sử dụng các công cụ truyền thông số hiện đại, như mạng xã hội, video trực tuyến, và các nền tảng di động, để truyền tải thông tin chính sách tới đối tượng rộng hơn, đa dạng hơn. Các phương tiện truyền thông truyền thống cũng được tích hợp với các kênh số nhằm gia tăng hiệu quả truyền thông.
Thứ tư, hoạt động truyền thông chính sách đang chuyển đổi từ truyền thông một chiều sang đối thoại hai chiều và đa chiều. Chính quyền và các cơ quan liên quan đang chuyển hướng từ việc chỉ truyền tải thông tin một chiều sang mô hình đối thoại hai chiều, khuyến khích phản hồi và tương tác từ người dân.
Thứ năm, truyền thông chính sách đã góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng vào quá trình chính sách. Nhờ đổi mới truyền thông, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về các chính sách công, quyền lợi và trách nhiệm. Điều này đã góp phần làm gia tăng sự quan tâm và tham gia của công chúng vào các vấn đề chính sách. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang học hỏi và áp dụng các mô hình truyền thông chính sách từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là trong việc sử dụng truyền thông số và dữ liệu mở để nâng cao chất lượng quản trị công.
b. Một số hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác truyền thông chính sách ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể:
(1) Về bộ máy và đội ngũ truyền thông chính sách: từ cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương hiện nay cho thấy, đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông, một số bộ, ngành, địa phương không thành lập cơ quan chuyên trách về truyền thông mà giao chức năng này hoặc cho Văn phòng hoặc cho vụ Tuyên truyền, vụ Pháp chế, hoặc giao sở Thông tin và Truyền thông (đối với địa phương) kiêm nhiệm. Một số bộ đã có bộ máy truyền thông được định hình rõ ràng thành đầu mối trực thuộc bộ với người phát ngôn thực sự phát huy vai trò (chẳng hạn: Bộ Công an giao công tác truyền thông chính sách cho Cục Truyền thông công an nhân dân và Chánh văn phòng Bộ có chức năng là người phát ngôn của Bộ; Bộ Ngoại giao có Vụ Thông tin báo chí và người phát ngôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Vụ Truyền thông); 4 bộ giao Văn phòng thực hiện,gồm: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Có 22 tỉnh giao cho sở Thông tin và Truyền thông kiêm nhiệm3. Một số bộ, ngành đã từng có cơ quan chuyên trách về truyền thông nhưng thời gian qua khi xây dựng chức năng nhiệm vụ mới đã đề xuất bỏ hẳn đầu mối đơn vị cấp Vụ vốn có đang làm công tác truyền thông, dự kiến đưa bộ phận truyền thông về Văn phòng bộ (Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Có bộ đã có mô hình “phòng truyền thông” thuộc Văn phòng Bộ nhưng vừa qua cũng đã sáp nhập, đổi tên thành “Phòng Tổng hợp – Tuyên truyền” (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Đại bộ phận nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, từ khâu tuyển dụng không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về truyền thông. Các công chức, viên chức làm truyền thông thường là kiêm nhiệm các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông hoặc là người “chưa đáp ứng chuyên môn” của các đơn vị khác mà được luân chuyển, bố trí.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ. Máy móc, trang thiết bị tại một số cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp, thiếu các thiết bị phục vụ tác nghiệp, bất cập so với cường độ hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền của hệ thống này. Đa số trang thiết bị không có điều kiện để bảo quản, nhanh xuống cấp, như: máy thu -phát sóng, dây truyền thanh, micrô, loa đài… Vẫn còn một số đài truyền thanh cấp xã hoạt động kém hiệu quả; đài truyền thanh không dây có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện.
(2) Về cơ quan giao làm công tác truyền thông chính sách của bộ, ngành, địa phương: chủ yếu giao cho sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo tỉnh, bộ phận pháp chế, báo, đài của đơn vị hoặc đơn vị phụ trách lĩnh vực nào giao cho đơn vị đấy thực hiện. Chính vì không đồng nhất, không có đội ngũ chuyên trách, chuyên nghiệp, dẫn đến, công tác truyền thông đôi khi còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa thực sự mang lại hiệu quả; nội dung chưa phong phú; các bài viết mang tính phát hiện vấn đề, ít bài viết mang tính phân tích, đánh giá sâu về những chủ trương, định hướng lớn của cơ quan ban hành chính sách.
(3) Về nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho các bộ, ngành, địa phương: nguồn kinh phí chưa cụ thể, rõ ràng vì chưa có danh mục vị trí việc làm. Nhìn chung, các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách. Việc cấp kinh phí chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên hằng năm hoặc theo vụ việc, chủ yếu lồng ghép vào nhiệm vụ của từng đơn vị, chưa có “mục” chi ngân sách được quy định rõ dành cho công tác truyền thông chính sách. Đặc biệt, lực lượng báo chí – truyền thông chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chính sách nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng. Với nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo giảm sút nêu trên, các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đang gặp khó khăn cho việc bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách.
3. Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu hoạt động truyền thông chính sách
Để phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách (từ khâu hoạch định, ban hành và thực thi chính sách) như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước. Về tổ chức bộ máy cho công tác này, đề nghị các bộ, ngành có ít nhất là cán bộ cấp vụ, địa phương là cấp sở (có thể giao sở Thông tin và Truyền thông hoặc văn phòng Ủy ban nhân dân) phụ trách công tác này. Bộ phận chuyên trách thực thi ở bên dưới ít nhất có phòng truyền thông riêng, với chuyên môn và vị trí việc làm phù hợp để có thể tuyển dụng nhân sự đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Thứ hai, để xác định kết quả và hiệu quả của công tác truyền thông chính sách, cần xây dựng công cụ, phương thức đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước…) để nhậnbiết được cách làm hiệu quả và không hiệu quả. Riêng với hệ thống các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của người dân, cần đổi mới cách làm và ứng dụng các công nghệ mới để tăng tương tác với người dân, để người dân cùng tham gia làm chính sách.
Thứ ba, Nhà nước cần có các chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Hiện nay, làm báo cũng chính là làm công nghệ, cần có nền tảng công nghệ để làm báo trên không gian số; cần tăng chi cho ứng dụng công nghệ để các cơ quan báo chí chủ lực của quốc gia, của địa phương và các báo điện tử giữ được uy tín và sự ảnh hưởng lớn đối với xã hội, do đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho hạ tầng báo chí trong không gian thực. Riêng với lĩnh vực thông tin cơ sở tiếp tục đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, bảng tin điện tử phát huy tối đa các ưu điểm của công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở.
Thứ tư, cần xây dựng quy tắc văn hóa ứng xử trong truyền thông chính sách ở các bộ, ngành và địa, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng.
Thứ năm, Nhà nước cần xem công tác truyền thông chính sách như là một loại hình cung cấp dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải cung cấp cho xã hội, qua đó xác định rõ trách nhiệm bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động truyền thông chính sách, trong đó có cả việc tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở. Biện pháp này nhằm tránh tình trạng có nhiều cơ quan báo chí lớn, tự chủ 100%, có ảnh hưởng lớn trong xã hội thì lại đang phải thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách bằng nguồn thu quảng cáo dịch vụ. Do đó, Nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ quan báo chí tham gia truyền thông chính sách bảo đảm cơ bản các sản phẩm của báo chí có nội dung truyền thông về chính sách ở cả các bước, các khâu của quá trình hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách.
Chú thích:
1. OECD Report on Public Communication. https://www.oecd.org/gov/open-government/public-communications-report-highlights-en.pdf
2. Văn phòng Quốc hội (2022). Đề án số 2494/ĐA-VPQH ngày 17/10/2022 của Văn phòng Quốc hội về tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). Báo cáo Truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). Công văn số 2137/BTTTT-CBC ngày 03/6/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp ở bộ, ngành, địa phương.
2. Bộ Tư pháp (2023). Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
5. Nguyễn Thị Thu Vân (2023). Quản trị truyền thông chính sách trong cơ quan nhà nước. Tạp chí Quản lý nhà nước số 324 (1/2023).
Nguồn: Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách