Nâng cao hiệu quả từ phát triển nông nghiệp hữu cơ
Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi mới của nông nghiệp bền vững |
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, Đồng Nai là có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 270.000 ha, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã xác định vai trò quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm” là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 25,3 ha được chứng nhận; diện tích này còn rất thấp so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Ngoài vùng tập trung, toàn tỉnh xác định thêm 23 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ tại các địa phương. Các địa phương đang tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Vùng trồng lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Tân Phú. Ảnh: TM. |
Theo các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh, thời gian đầu chuyển đổi sang sản xuất theo quy chuẩn hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu tư tăng, sản lượng sầu riêng giảm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, về lâu dài, sản xuất hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như: đất đai ngày càng màu mỡ, cây trồng khỏe nên không chỉ năng suất hồi phục mà sức bền, tuổi thọ của cây trồng cũng tăng lên. Đặc biệt là sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng được bảo vệ.
Huyện Cẩm Mỹ đang chuyển dần sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Ðể thực hiện mục tiêu này, các ngành chức năng huyện Cẩm Mỹ đang phối hợp với doanh nghiệp thí điểm mô hình nuôi lợn hữu cơ; xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ khoảng 100ha tại xã Sông Ray; mô hình trồng sầu riêng, hồ tiêu hữu cơ tại xã Lâm San. Các mô hình này nếu thành công sẽ nhân rộng ra nhiều xã khác trong huyện.
Tại huyện Ðịnh Quán, chính quyền địa phương đang phối hợp triển khai hai mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Ngọc Ðịnh, với 20 con lợn nái và 400 con lợn thịt. rong quá trình nuôi, hai mô hình này đều sử dụng đệm lót sinh học và thức ăn có trộn men vi sinh. Nhờ vậy giảm mùi hôi từ chất thải chăn nuôi, đồng thời ức chế được sự xâm nhập và phát triển của một số vi sinh vật gây hại trên vật nuôi. Phần nước thải chăn nuôi sẽ chảy theo hệ thống vào hố thu gom và được xử lý bảo đảm không thải trực tiếp ra môi trường. Thêm vào đó, chuồng nuôi có hệ thống phun sương định kỳ bổ sung men vi sinh để khử trùng, góp phần giảm mối nguy về mầm bệnh.
Tỉnh Đồng Nai xác định đối tượng ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn 2021 – 2030 như những mô hình điểm để nhân ra diện rộng trong các giai đoạn sau năm 2030; theo đó, các đối tượng phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2030 là: cây lúa, cây rau thực phẩm, cây công nghiệp lâu năm (hồ tiêu, điều); cây ăn quả (bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, chôm chôm); chăn nuôi (bò, heo, gia cầm); phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản hướng hữu cơ theo hình thức quảng canh dưới tán rừng (tôm sú, cá chẽm, cua biển, hàu và một số đối tượng nước lợ khác).
Sản xuất bưởi Tân Triều theo mô hình hữu cơ tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: UN. |
Để thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023, quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện. Tỉnh Ðồng Nai phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 nghìn ha.
Ðể thực hiện mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, là chính sách hỗ trợ một lần về vật tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở. Cụ thể là hỗ trợ phân bón hữu cơ đối với lĩnh vực trồng trọt với mức hỗ trợ như sau: Sầu riêng, xoài, bưởi, dưa lưới 25 triệu đồng/ha; chôm chôm, hồ tiêu, ca cao 20 triệu đồng/ha; rau ăn quả 12 triệu đồng/ha; cây điều 10 triệu đồng/ha; lúa và rau ăn lá 9 triệu đồng/ha. Hỗ trợ thức ăn hữu cơ đối với lĩnh vực chăn nuôi với mức hỗ trợ như sau: Heo 8 triệu đồng/đơn vị vật nuôi; gà: 5 triệu đồng/đơn vị vật nuôi.
Ngoài ra, địa phương này triển khai chính sách hỗ trợ một lần chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ bao gồm: Tư vấn, đào tạo, kiểm nghiệm, đánh giá chuyển đổi, đánh giá cấp giấy chứng nhận, giám sát; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nước ngoài cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/giấy chứng nhận; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn nước ngoài cho đối tượng là doanh nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/giấy chứng nhận.
Nguồn:Nâng cao hiệu quả từ phát triển nông nghiệp hữu cơ