Hà Nội: 25°C
Thừa Thiên Huế: 35°C
TP Hồ Chí Minh: 33°C
Quảng Ninh: 31°C
Hải Phòng: 30°C

Nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh mới

Nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng trong bối cảnh mới. Bài viết làm rõ vai trò của việc nâng cao văn hóa ứng xử; thực trạng thực hiện văn hóa ứng xử; từ đó, đề xuất một số biện pháp nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thời đại mới.

Từ khóa: Văn hóa ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức, bối cảnh mới.

1. Đặt vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân”1. Do đó, việc nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh mới có vai trò rất quan trọng để tổ chức thực hiện thắng lợi củ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu về phẩm chất, nhân cách trong thực thi công vụ

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật”2. Và Người còn nhấn mạnh: “Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”3. Những quan điểm, tư tưởng của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, bên cạnh đó, thực tiễn cũng đang đặt ra yêu cầu cao để cán bộ, công chức, viên chức rèn luyện về mọi mặt, nhất là văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ đáp ứng với đòi hỏi nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.

Có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa, tiếp cận theo nghĩa hẹp văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chính là phẩm chất nhân cách, ứng xử có văn hóa trong giải quyết, xử lý công việc một cách tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; ở khía cạnh khác cũng có thể hiểu văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức là tổng hòa những yếu tố về nhận thức, tình cảm, hành vi, thái độ đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, được thể hiện ở các mối quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp và được mọi người kính trọng. Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thể hiện ở sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thể hiện ở nghệ thuật ứng biến linh hoạt, tế nhị, khéo léo nhưng không kém phần tinh tế, đặc sắc, có chiều sâu trong tư duy và hành động. Đối với mọi lĩnh vực hoạt động và trong bất kỳ tình huống nào đều toát lên phong thái bình tĩnh, khiêm nhường, lịch thiệp, chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được thể hiện ở mỗi người khác nhau, trong các tình huống, sự việc khác nhau, không ai giống ai. Đó chính là biểu hiện của trình độ nhận thức, tư duy; đặc biệt với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, thì văn hóa ứng xử cần phải được nâng lên, đặt ra yêu cầu, quy định hành động trong thực thi công vụ. Đảng đã chỉ rõ: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”4.

Nâng cao văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là hoạt động tích cực, chủ động của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan ban, ngành và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với những chương trình, kế hoạch, nội dung phù hợp để nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc, cuộc sống, xây dựng hình mẫu người cán bộ, công chức, viên chức tận tâm, tận lực với công việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nâng cao văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là những hoạt động rất thiết thực, gần gũi hàng ngày, phản ánh tính chất, mức độ công việc ở từng vị trí mà họ đảm nhiệm, như: đi làm đúng giờ theo quy định, chấp hành nghiêm các nội quy của cơ quan, đơn vị, đề cao tinh thần, trách nhiệm với nơi công tác, gia đình; tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người xung quanh, đặc biệt của Nhân dân, gương mẫu trong lời nói và hành động, có tình yêu thương với mọi người, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống.

Nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được hình thành, phát triển từ chính những suy nghĩ, hành động của mỗi người trong thực tiễn công việc, cuộc sống, văn hóa đó cũng không thể cân, đong, đo đếm được mà đó là sự tự ý thức của mỗi người, tạo nên niềm tin giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức cần phải có niềm tin vững chắc vào mỗi giá trị văn hóa của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nâng cao văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố cấu thành của văn hóa nói chung, không tách rời hoạt động văn hóa của con người, phải tiến hành song song, đồng thời, toàn diện với các nội dung khác, không nên chú trọng vào nâng cao văn hóa ứng xử mà quên đi việc giáo dục, bồi dưỡng, như: văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa doanh nghiệp…Tuỳ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, môi trường công tác mà việc nâng cao văn hóa ứng xử cho phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, thống nhất về nhận thức và hành động cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, cũng như trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Trên thực tế, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa có sự chuyển biến thật sự mạnh mẽ về nhận thức và hành động, một số bộ phận cán bộ, công chức còn thụ động, có các biểu hiện, như: nước đến chân mới nhảy, hách dịch, chịch thượng, quan cách, gia trưởng. Trong khi đó, yêu cầu, nhiệm vụ của sự phát triển đất nước ngày càng cao, đặt ra cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải có thái độ nghiêm túc trong làm việc, nêu cao tinh thần, trách nhiệm với cơ quan, đơn vị, hình thành lề lối, tác phong ứng xử có văn hóa, có hiểu biết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân, cho chính bản thân cán bộ, công chức, viên chức.

3. Thực tiễn văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương

Thời gian qua, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị các cấp, như: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025… trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa thành những quy định riêng, tiêu chí để đánh giá năng lực, phẩm chất trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng thực hiện công việc thông qua sự phản ánh của người dân, doanh nghiệp đánh giá theo các thang điểm trên bảng điện tử nơi làm việc; xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đạo đức công vụ nơi công sở đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, cản trở, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,

Xây dựng các tiêu chí đánh giá về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, thông qua tiếp xúc, xử lý, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời, căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; tổ chức các hội thi, hội thao về nâng cao văn hóa ứng xử. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đã phát huy tính tích cực, chủ động, tự bồi dưỡng văn hóa ứng xử đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công việc đặt ra. Thường xuyên nêu cao tinh thần tự giác, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp tác phong công tác. Đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, có động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên đúng đắn, có bản lĩnh vững vàng, quan hệ, giải quyết, ứng xử đúng đắn, phù hợp và hiệu quả đối với người dân, doanh nghiệp; biểu hiện hách dịch, vòi vĩnh, gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp khi làm việc đã dần được loại bỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị còn một số hạn chế, như: nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sắc; chưa ý thức tốt những suy nghĩ, hành động của mình dù nhỏ hay lớn đều ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp; trong quá trình giao tiếp, ứng xử, giải quyết công việc, còn một số ít thiếu lễ phép, kính trọng Nhân dân, còn có những lời nói thô tục, miệt thị, chì triết người dân; chưa tạo được sự thân thiện, gần gũi với người dân và doanh nghiệp; nét đẹp văn hóa của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được thể hiện bằng hành động, cử chỉ, việc làm nhằm tạo niềm tin trong xã hội góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

4. Một số biện pháp nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thời gian tới

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng về nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa ứng xử nơi công sở. Cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động trong toàn cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức quán triệt, học tập những văn bản mới của Đảng, Nhà nước có liên quan đến nâng cao văn hóa ứng xử nơi công sở; việc nâng cao văn hóa công sở không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong sinh hoạt đời sống hàng ngày ở địa bàn cư trú, ở quan hệ, tiếp xúc trong các mối quan hệ phối hợp.

Xây dựng các tiêu chí đánh giá văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ, không trái với các văn bản của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nơi công sở. Cấp uỷ, tổ chức đảng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm các quy định văn hóa nơi công sở; xây dựng thái độ ứng xử văn hóa đúng mực với người dân, doanh nghiệp. Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ5.

Hai là, phát huy vai trò của đảng viên, người đứng đầu trong nâng cao văn hóa ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nêu gương về văn hóa ứng xử để cán bộ, công chức, viên chức học tập và làm theo; gương mẫu trong lời nói và hành động; nói ít, làm nhiều, có tầm nhìn chiến lược, dự báo được xu hướng phát triển của cán bộ, công chức, viên chức; biết bao quát được mọi công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương, đem lại những điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, công chức, viên chức có môi trường nhân văn để cống hiến tài năng, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì tập thể. Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường gần gũi, giản dị, chân thành, yêu thương cấp dưới, quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức.

Đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương không ngừng tu dưỡng phấn đấu rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Có kiến thức chuyên ngành, liên ngành, am hiểu các lĩnh vực, nắm chắc luật pháp, các quy định của Đảng, nhất là kiến thức về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Đặt ra yêu cầu cao cho bản thân trong các mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc, xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vô tư, khách quan, trong sáng trong các mối quan hệ; đánh giá đúng kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tuyệt đối không được đánh giá theo cảm tính, theo kiểu yêu, ghét sẽ gây ra ức chế, bất bình trong nội bộ, thậm chí là triệt tiêu động lực phấn đấu vươn lên đối với những người có tinh thần, trách nhiệm cao với công việc, có văn hóa ứng xử tốt.

Đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, giản dị, thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc, vì sự tiến bộ, trưởng thành, phát triển của cá nhân mỗi người. Giữ vững tinh thần làm việc dân chủ, bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong công sở, xử lý, giải quyết tốt những bất đồng, ý kiến trái chiều của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp; tạo sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong mọi việc làm, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh, đạo đức và văn minh.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, công chức, viên chức trong tự bồi dưỡng, rèn luyện về văn hóa ứng xử khi thực thi công vụ.

Từng cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần tự bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là văn hóa ứng xử không chỉ nơi công sở mà còn trong đời sống sinh hoạt đời thường. Những lời nói và hành động của cán bộ, công chức, viên chức dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của cơ quan, đơn vị, địa phương và bản thân; làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào đội ngũ cán bộ của Đảng.

Cán bộ, công chức, viên chức là người được đào tạo cơ bản, có trình độ, kiến thức, có kinh nghiệm trong công việc. Vì vậy, việc nâng cao văn hóa ứng xử cần được nâng lên một tầm cao mới, trở thành niềm tin, lẽ sống, đường hướng, mục tiêu chính trị của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Trong công việc, cần thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” trong lời nói, hành động; phát huy ưu điểm, thế mạnh, hạn chế, khắc phục những thiếu xót của bản thân. Trong đời sống, quan tâm, hoà đồng, có tinh thần, trách nhiệm với cơ quan, đơn vị, địa phương, địa bàn nơi cư trú.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nhiệm vụ nhiều, khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy tính tích cực, chủ động đối với công việc được giao, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp, hiệu quả để cống hiến tài năng, trí tuệ cho tập thể. Tự mình vươn lên trong công việc, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; không tự bằng lòng, thoả mãn với những kết quả đã có; nỗ lực, phấn đấu không ngừng, không nghỉ ở mọi điều kiện, hoàn cảnh cùng với tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nội dung phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

5. Kết luận

Nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức là nội dung, biện pháp quan trọng của công tác xây dựng Đảng về văn hóa. Vì vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng cùng tham gia nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay. Quá trình nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức cũng đồng thời là sự đấu tranh loại bỏ những văn hóa thủ cựu, lạc hậu, thói hư tật xấu, tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường. Nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chính là góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức – trí – thể – mỹ.

Chú thích:

1. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII). https://baochinhphu.vn, ngày 16/4/2025.

2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 261.

3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 154.

4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2014). Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

5. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

Nguồn: Nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh mới

TS. Ngô Quang Huy - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
www.quanlynhanuoc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Quảng Ninh: Khám phá du lịch vùng cao Hạ Long

Quảng Ninh: Khám phá du lịch vùng cao Hạ Long
Nhắc đến TP Hạ Long, người ta thường liên tưởng ngay đến kỳ quan Vịnh Hạ Long, một trong những điểm đến nổi tiếng bậc nhất trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào cuối năm 2019, thành phố này không chỉ mang dáng dấp của một đô thị biển hiện đại mà còn sở hữu một “vùng lõi xanh” phong phú nơi núi rừng, suối thác và những bản làng yên bình. Một mảnh đất đầy tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp.

Giá cà phê hôm nay 16/6: Thị trường trong nước ổn định

Giá cà phê hôm nay 16/6: Thị trường trong nước ổn định
Giá cà phê khu vực Tây Nguyên có xu hướng ổn định và đi ngang so với phiên giảm nhẹ hôm qua. Hiện giá thu mua cà phê trung bình tại các địa bàn trọng điểm ở mức 112.300 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 16/6: Giá thu mua trung bình 137.200 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 16/6: Giá thu mua trung bình 137.200 đồng/kg
Thị trường trong nước ổn định và đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua. Hiện giá thu mua tiêu trung bình tại các địa bàn trọng điểm 137.200 đồng/kg.

Điểm tin ngân hàng ngày 16/6: Eximbank dự kiến huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu

Điểm tin ngân hàng ngày 16/6:  Eximbank dự kiến huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu
Trái phiếu thứ cấp của ngân hàng Việt Á (VAB) được xếp hạng khá; Agribank rao bán khoản nợ hơn 154 tỷ đồng thế chấp bằng dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh;17 cá nhân muốn mua toàn bộ 750 triệu cổ phiếu NCB chào bán riêng lẻ; Thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam tăng kỷ lục…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ
Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ, kéo theo đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước. Theo Oilprice và Reuters, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chứng kiến một trong những đợt tăng giá mạnh nhất trong hơn hai tháng trở lại đây.