Nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp
Thông tin từ Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tuần từ 9 - 15/3, cả nước có hơn 1.500 ha diện tích cây trồng chịu ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có 909ha và Sóc Trăng có 538ha (thiệt hại hoàn toàn gần 33ha).
Trong thời gian khô hạn, một số trạm bơm thủy lợi ở Nghệ An phải nối thêm đường ống để lấy nước phục vụ tưới tiêu vụ Đông Xuân |
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng khô hạn cục bộ đã xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum và Gia Lai. Nguyên nhân do từ cuối mùa mưa lũ năm 2023 đến nay, tổng lượng mưa tại các tỉnh ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt trong tháng 1 - 2/2024 tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên nhiều nơi không mưa kéo dài, cùng với đó là nhiệt độ tại các khu vực cao hơn bình thường từ 0,5 - 1,5oC.
Trong dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, khả năng từ tháng 6 trở đi, El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55 - 60%.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời. Đặc biệt sang tháng 5 - 6/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4 và tháng 5) có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động. |
Ông Mai Văn Khiêm chia sẻ, trong 1 - 2 tháng tới, hiện tượng El Nino còn tiếp diễn. Đây cũng là giai đoạn cao điểm mùa khô ở Trung Bộ, Tây Nguyên. Trời nắng nhiều hơn và nóng hơn, nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm từ 0,5 - 1,5 oC. Lượng mưa thiếu hụt 15 - 30%. Hệ quả là dòng chảy trên các sông cũng sẽ giảm từ 15 - 50% so với cùng kỳ mọi năm, có thể gây ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Từ cuối tháng 5, tình hình khô hạn ở đây sẽ giảm dần khi Tây Nguyên chuyển dần sang mùa mưa. Nhưng với khu vực Trung và Nam Trung Bộ, từ tháng 9 trở đi mới bước vào mùa mưa lũ chính vụ, do đó từ tháng 5 - 8 khô hạn có khả năng xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận. "Như vậy, tình hình hạn hán năm nay có thể gia tăng hơn năm ngoái nhưng không nghiêm trọng như mùa khô (lịch sử) năm 2015 - 2016" - ông Khiêm nhận định.
Về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến hết mùa khô năm 2024, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ 24 - 27/3). Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2024 (từ 24 - 27/3, từ 8 - 12/4, từ 25 - 29/4). Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Nguồn: Nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp