Nga trông đợi vào Trung Quốc và Ấn Độ sau khi EU áp trần giá dầu
Moldova mua thêm 5,7 triệu m3 khí đốt từ Nga trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng Nga: Việc phương Tây áp giá trần dầu mỏ là động thái "nguy hiểm" |
Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ bằng đường biển của Nga bắt đầu từ thứ Hai (5/12), với mục đích trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine. Quyết định này được đưa ra vài tháng sau khi các quốc gia thành viên do Đức dẫn đầu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Lệnh cấm cũng đã khiến Nga chuyển hướng các tàu chờ dầu của mình sang khu vực châu Á.
EU cũng bắt đầu áp giá trần cho dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng từ ngày 5/12 theo cơ chế cấm bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga không tuân theo mức giá trần. Hầu hết đội tàu chở dầu trên toàn cầu được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm trong nhóm nước G-7 hoặc EU.
Dầu mỏ của Nga đã và đang được giao dịch ở mức chiết khấu cao, cho thấy Moscow có một lượng người mua khá hạn chế khi thiếu đi các khách hàng từ EU.
Nhà phân tích dầu thô hàng đầu của Refinitiv, Ehsan ul Haq nói với Nikkei Asia: “Trong những tuần gần đây, dầu Urals, loại dầu cao cấp nhất của Nga, đang được bán với giá thấp hơn tới 30 USD/thùng so với dầu Brent”.
Sự khác biệt trên cho thấy tác động từ mức giá trần nhiều khả năng sẽ không lớn. Tuy nhiên, giá dầu sẽ diễn biến ra sao khi nhu cầu từ châu Á - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ - có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Giá dầu toàn cầu đã tăng hơn 2% vào thứ Hai khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nga có hiệu lực. Thị trường dường như cũng đang phản ứng với các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến dịch Covid-19, điều sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu dầu mỏ.
Tại cuộc họp cuối tuần của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các bộ trưởng cho biết họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung ngay lập tức để hỗ trợ sự cân bằng của thị trường dầu mỏ khi cần thiết. Tuy nhiên, không có bất kỳ thay đổi nào về sản lượng của OPEC được đưa ra.
Theo ông Giovanni Staunovo, một nhà phân tích tại UBS Group AG ở Zurich, Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các khách hàng dầu mỏ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 11, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,05 triệu thùng dầu thô mỗi ngày qua đường biển của Nga và 850.000 thùng dầu mỗi ngày nữa đến từ các đường ống, theo ông Viktor Katona, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu thô tại Kpler.
Katona cho biết: “Đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga Ấn Độ, nhập khẩu tháng 11 đạt 1,049 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn gần 100.000 thùng/ngày so với tháng 10 và chúng tôi hy vọng tháng 12 sẽ giống với tháng vừa qua, thậm chí còn cao hơn một chút."
Katona nói thêm rằng các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ có thể nhận thêm 500.000 đến 600.000 thùng mỗi ngày từ Nga. Nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ tháng 11 đạt mức cao thứ nhì từ trước đến nay, cho thấy sự quan tâm của quốc gia Nam Á này.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào châu Á làm các tuyến vận chuyển dài hơn dự kiến, tạo ra một số bất ổn về hậu cần cho Moscow và các nước khác, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung tàu chở dầu và đẩy chi phí vận chuyển và dầu thô lên cao.
Nga cho biết họ sẽ không thừa nhận giá trần của G-7. Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga sẽ cố gắng vận chuyển dầu bằng cách sử dụng một đội tàu cũ không sử dụng bảo hiểm. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Goldman Sachs nghi ngờ khả năng Nga có đủ tàu để duy trì như hiện tại.
Trong khi đó, châu Âu sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế dầu của Nga từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ Latinh, Tây Phi, Mỹ và cả các loại dầu thô được sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất Trung Đông sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm của EU bởi điều này đem lại cho họ cơ hội tăng thị phần. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu châu Á như Indonesia sẽ không được hưởng lợi nhiều vì họ không sản xuất cùng loại dầu thô với Nga.
Nguồn: Nga trông đợi vào Trung Quốc và Ấn Độ sau khi EU áp trần giá dầu