Ngăn chặn sạt lở vùng ĐBSCL: Cần những dự án quy mô lớn
Khẩn trương khắc phục sạt lở do mưa lũ Bến Tre cấp bách phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển |
Trong phần thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 (kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là sụt lún, sạt lở, hạn hán và xâm nhập ngập mặn.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, để khắc phục trước mắt tình hình sạt lở khu vực ĐBSCL, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Việt Nam phải cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Bên cạnh đó, phải xây dựng các dự án mang tính lâu dài, những dự án hàng tỷ USD. ĐBSCL cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở, phải làm bài bản, hiệu quả, kịp thời.
Sạt lở ở ĐBSCL là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn sự tác động tiêu cực đến ĐBSCL. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Với những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.
Nhiều địa phương khu vực ĐBSCL thiệt hại lớn do sạt lở. |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km. Trong đó, bờ sông là 666 điểm với chiều dài 744km; bờ biển xuất hiện 113 điểm với 390km. Có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình để bảo vệ; 155 điểm với 306km sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường là 343 điểm với 300km. Từ năm 2005 về trước, ĐBSCL được bồi đắp 100 ha/năm thì 15 năm trở lại đây mất từ 350 – 500ha đất/năm. Tình hình sạt lở sông, kênh, rạch ở khu vực ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi của các đợt sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn thường lớn hơn hạ nguồn sông thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Hiện tượng xói lở thường xảy ra ở những khu vực trực diện với biển.
Theo số liệu khảo sát năm 2020 và 2022, bờ biển từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau có tác động xói lở, bồi lắng phụ thuộc vào mùa gió là chủ yếu, nhìn chung bờ biển vùng này xu thế xói vượt trội. Hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này, tốc độ xói lở khoảng 10- 50m/năm tùy theo vị trí. Đặc biệt là khu vực biển Đông thuộc tỉnh Cà Mau tại vị trí mặt cắt bờ biển ấp Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn), mặt cắt bờ biển ấp Xẻo Mắm (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), có tốc độ sạt lở từ 70m/năm đến 90m/năm. Hệ quả là nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ bị biển nuốt chửng chỉ trong vòng một năm.
Nguồn:Ngăn chặn sạt lở vùng ĐBSCL: Cần những dự án quy mô lớn