Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực sông Đầm
Sông Đầm với diện tích toàn bộ lưu vực là 650 ha, trong đó, khoảng 200 ha mặt nước, có hệ sinh thái rất đa dạng gồm hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, hệ sinh thái trên bờ với hệ động thực vật phong phú. Qua khảo sát của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, sông Đầm có 295 loài, trong đó có 33 loài cá, 16 loài bò sát ếch, nhái, 31 loài chim, đáng lưu ý có loài Cò Nhạn nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đồng thời có 211 loài côn trùng và 170 loài thực vật bậc cao.
Bên cạnh đó, sông Đầm còn là khu vực có những giá trị về văn hóa, lịch sử. Giai đoạn 1954-1975, nơi đây là căn cứ cách mạng của huyện Tam Kỳ và các lực lượng vũ trang của huyện, của tỉnh, của Quân khu 5. Bãi sậy sông Đầm đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử vào năm 2005.
Một phần hệ sinh thái sông Đầm nhìn từ trên cao. Ảnh: CD. |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sông Đầm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Với hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ nhưng hồ sông Đầm đang đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm, khan hiếm, cạn kiệt cả về mức độ và quy mô, nhất là nước thải từ các khu công nghiệp đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước tại hồ sông Đầm có thể kể đến sự gia tăng dân số kéo theo lượng rác thải gia tăng với khối lượng lớn phục vụ sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm nguồn nước như rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp. Theo nhóm nghiên cứu từ Khoa Khoa học tự nhiên - Trường Đại học Quy Nhơn, ngoài nguyên nhân về ô nhiễm nguồn nước thì biến đổi khí hậu và thiên tai bão lũ cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở sông Đầm.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các sinh vật ngoại lai có đặc điểm thích nghi rộng với các hệ sinh thái và có khả năng sinh trưởng tốt cũng cạnh tranh trực tiếp với các loài bản địa về mặt thức ăn và khả năng sinh sản, trong đó, ốc bưu vàng là minh chứng cụ thể và dễ hình dung nhất. Hệ thống quản lý đa dạng sinh học ở địa phương chưa hoàn thiện, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo chưa rõ ràng, thiếu sự quan tâm, phối hợp chưa được chặt chẽ giữa các vùng giáp ranh do sự khác nhau về cơ chế quản lý, trình độ quản lý, xử lý các vụ việc cũng khác nhau. Điều này đã dẫn đến tình trạng trong một thời gian dài, hệ sinh thái sông Đầm phải gánh chịu các đợt tận diệt vì việc mưu sinh thiếu hiểu biết của người dân.
Thực trạng trên cho thấy, việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm là hết sức cần thiết nhằm phục hồi, tạo môi trường sống an toàn, bền vững cho các loại động thực vật bản địa, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân; góp phần phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái cho thành phố Tam Kỳ.
Thời gian qua, TP.Tam Kỳ luôn quyết tâm, vào cuộc tích cực trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm. Nhờ đó, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đã có những kết quả tích cực bước đầu: diện tích cây xanh tăng lên, nước trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi. Thành phố đã thực hiện trồng và chăm sóc hàng nghìn cây xanh, với nhiều chủng loại bản địa như: vừng, tre đồng, sậy, dừa nước... với quy mô hơn 20ha; thường xuyên tổ chức ra quân truy quét nạn đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loài chim hoang dã và di cư; kiểm soát chặt nguồn nước đầu vào; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trong nhân dân.
Chính quyền các xã Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú cũng đã tích cực vào cuộc, tăng cường vận động nhân dân chấp hành, đồng hành với các chủ trương của nhà nước. Vừa qua, nhân dân xã Tam Thăng, phường An Phú, xã Tam Phú đã bàn giao cho chính quyền hơn 1.000 thửa đất với tổng diện tích hơn 3ha để trồng và phát triển cây xanh.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai các đề tài về nghiên cứu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái điển hình; đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý lưu vực hồ sông Đầm với mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học tại sông Đầm.
Đa dạng sinh học tại khu vực sông Đầm đòi hỏi TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn. |
Các chuyên gia tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đều cho rằng vùng đất ngập nước Bãi Sậy sông Đầm với diện tích hơn 200ha không những đang tích lũy đa dạng sinh học cao về thực vật, động vật mà còn có chức năng vô cùng quan trọng như kiểm soát lũ lụt, điều hòa dòng chảy, điều hòa khí hậu, nạp lưu giữ nguồn nước ngầm, ổn định vùng bờ, tồn trữ trầm tích và các loại dinh dưỡng, nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sinh, làm sạch nguồn nước... làm nền tảng cho các giá trị văn hóa, cho du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch hòa quyện với cộng đồng nông nghiệp bản địa.
Bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái đất ngập nước Bãi Sậy sông Đầm là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học bản địa một cách bền vững, là một trong các giải pháp quan trọng giúp tích lũy - bảo vệ nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất và đời sống của cộng đồng địa phương trong bối cảnh của hiện tượng El Nino xảy ra nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái ở khu vực hồ sông Đầm, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho rằng địa phương cần phải có biện pháp quy hoạch bảo tồn sinh thái và sinh cảnh sống của các loài, giảm thiểu nguyên nhân tác động đến số lượng các cá thể của chúng ngoài tự nhiên nhằm phát triển bền vững các loài, các quần thể thực vật tại nơi đây. Trước mắt, tỉnh Quảng Nam xây dựng mô hình, ban hành quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh nhằm phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học bền vững cho khu vực này.
Sở TN&MT Quảng Nam cho biết, theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì hệ sinh thái khu vực Bãi Sậy sông Đầm được xác định là vùng đất ngập nước quan trọng có diện tích là 155 ha thuộc địa bàn xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú.
Do vậy, để bảo vệ hệ sinh thái Bãi Sậy sông Đầm, trong thời gian tới cần khảo sát, xây dựng hồ sơ trình thẩm định, thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước hồ sông Đầm, làm cơ sở để triển khai các kế hoạch, hoạt động bảo tồn. Trong đó, tập trung xác định và xây dựng quy hoạch chi tiết khu bảo tồn đất ngập nước hồ sông Đầm; xác định rõ các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái; ranh giới từng phân khu theo nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước.
Đồng thời xác định rõ đặc trưng, cấu trúc sinh thái của khu vực đất ngập nước hồ sông Đầm. Xây dựng kế hoạch tổng thể khôi phục, phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước và có lộ trình thực hiện phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức gắn với thực thi pháp luật liên quan; xây dựng, triển khai mô hình đồng quản lý, các hoạt động sinh kế bền vững cho khu vực hồ Sông Đầm.
Địa phương cần định hướng khai thác hợp lý, tránh không khai thác vào mùa sinh sản; nghiêm cấm sử dụng các phương tiện như chích điện, đối với lờ bắt cá cần quy định cụ thể cỡ mắt lưới để đảm bảo không đánh bắt cá con chưa trưởng thành, không sử dụng cá con làm thức ăn chăn nuôi… Đồng thời tuyên truyền kiến thức cho người dân để để cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, cần khẩn trương thực hiện kênh cắt chuyển dòng nguồn nước xả thải sau xử lý của KCN Tam Thăng, không xả vào sông Đầm; cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp hằng năm để tạo điều kiện trồng cây xanh phục hồi và phát triển hệ sinh thái, đa dạng sinh học sông Đầm.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm là phù hợp Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024; phù hợp Đồ án Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt năm 2014; phù hợp Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực sông Đầm