Ngân hàng Techcombank đã vay 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu
Mới đây, ngân hàng Techcombank chào bán thành công 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, ngày hoàn tất đợt phát hành là 25/5.
Cũng trong tháng 5, Techcombank đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, ngày hoàn tất đợt chào bán là 12/5. Trước đó, ngày 29/4, ngân hàng Techcombank cũng thông báo đã hoàn tất chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 36 tháng. Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Techcombank trong năm 2022.
Ngân hàng Techcombank chào bán thành công 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng (Nguồn: HNX). |
Như vậy, từ đầu năm 2022, ngân hàng Techcombank đã vay 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, các thông tin về lãi suất, mục đích, loại trái phiếu và bên mua không được ngân hàng tiết lộ.
Nhìn vào lượng trái phiếu mà ngân hàng Techcombank phát hành thời gian gần đây, có thể thấy, đa phần phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Điều này cho thấy, khả năng Techcombank đang thiếu hụt nguồn vốn trung, dài hạn tạm thời.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu từng cho biết, từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến một lượng lớn dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp không về ngân hàng, nên một phần vốn của ngân hàng bị thiếu hụt và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp. Hơn nữa, nhu cầu về tăng vốn của các ngân hàng luôn thường trực, khi đa phần vốn chủ sở hữu còn mỏng, tín dụng tăng nhanh trước yêu cầu hồi phục kinh tế… sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR), nên các ngân hàng phải gia cố tỷ lệ này khi đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Hiện tại, trái phiếu doanh nghiệp là một trong các chủ đề nóng trên thị trường hiện nay. Mặc dù trái phiếu doanh nghiệp bị quản lý chặt chẽ hơn, siết các hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng nhưng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp quý 1/2022 của các nhà băng vẫn tăng mạnh.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến cuối tháng 3, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Hoạt động trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại. Trong đó có cả ngân hàng Techcombank, ngoài ra còn có HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.
Tính đến 31/3 Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021. Mức tăng mạnh của trái phiếu doanh nghiệp đã đẩy tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022. Đây có thể là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, trả lời chất vấn của cổ đông về việc nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết mặc dù Techcombank tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu nhưng tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
"Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu vì tin trưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các các nhân và doanh nghiệp nếu có nhu cầu", ông Hùng Anh chia sẻ.
Nguồn: Ngân hàng Techcombank đã vay 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu