Ngân hàng Thế giới: Việt Nam có thể cân nhắc tăng tỷ giá nhanh hơn nữa
Tiến tới ký kết Thỏa thuận ERPA giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới Chủ tịch WB cảnh báo "suy thoái kinh tế toàn cầu" ngày càng đến gần |
Ngân hàng Thế giới trong cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất đánh giá nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh.
Theo đó, sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát gia tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước trong vài tháng tới.
“Do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn”, WB khuyến nghị.
Biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối.
“Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc”, WB lưu ý.
Hơn nữa, biến động gần đây trong khu vực ngân hàng đòi hỏi phải thận trọng hơn và tăng cường hơn nữa những nỗ lực giám sát.
Tháng 10/2022 ghi nhận lạm phát ở mức 4,3%, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ tháng 4/2020. Lạm phát gia tăng phần lớn do giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh, đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2020.
HSBC trong đánh giá gần đây cho rằng, rủi ro về tăng giá vẫn còn, và dự báo lạm phát còn vượt mức 4% trong vài quý tới.
Tính đến ngày 3/11/2022, đồng tiền của Việt Nam đã mất giá hơn 9% so với đồng USD kể từ đầu năm. Xét áp lực gia tăng đối với đồng nội tệ, NHNN vào ngày 17/10 đã nâng độ linh hoạt của tỷ giá, bằng cách nới biên giao dịch VND/USD lần đầu tiên kể từ tháng 08/2015, từ +/- 3% lên +/- 5%.
Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng cũng đã khiến NHNN tăng lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn 100 điểm cơ sở, lên tương ứng 4,5% và 6,0%. Các lãi suất khác cũng được điều chỉnh tăng, như lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, trần lãi suất tiền gửi đối với tiền đồng tại các ngân hàng thương mại.
“NHNN đã đưa ra nhiều động thái mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn, làm dấy lên dư luận về khả năng tăng biên độ tỷ giá lần nữa, cho thấy chu kỳ tăng lãi suất vẫn còn chưa kết thúc. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở ở cả quý I và II/2023, nâng lãi suất điều hành lên 7,0% vào giữa năm 2023”, HSBC nhận định
Nguồn: Ngân hàng Thế giới: Việt Nam có thể cân nhắc tăng tỷ giá nhanh hơn nữa