Ngành du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững
Chuyển đổi xanh là hướng đi tất yếu
Ngày 25/3 tại Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo tập huấn về Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch gắn với xây dựng sản phẩm du lịch xanh.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, bảo vệ môi trường rất quan trọng với phát triển du lịch, vì vậy năm 2024 ngành du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế của nhiều quốc gia. Chính vì vậy Ninh Bình cũng có thể phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch xanh của Việt Nam.
Ngành du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Ảnh: Minh họa. |
Du lịch xanh tại Việt Nam mặc dù chưa được phát động thành phong trào sâu rộng nhưng đã có một số điểm và nhiều doanh nghiệp du lịch đã chuyển động xanh. Trong đó phải kể tới Silk Sense Hoi An River Resort (Quảng Nam) được công bố là Khách sạn không còn rác thải nhựa thải ra môi trường và không còn đồ nhựa dùng một lần.
Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cũng đang xây dựng tuyến du lịch xanh Hà Nội - Ninh Bình, kết nối các đơn vị cung ứng dịch vụ theo tiêu chí xanh để hình thành sản phẩm đưa ra thị trường, phù hợp với thị hiếu khách du lịch và phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam giới thiệu Bộ Tiêu chí giảm thiểu rác thải nhựa tại doanh nghiệp du lịch, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm đến du lịch tự nguyện tham gia giảm thiểu rác thải nhựa.
Không sử dụng đồ nhựa tại VITM 2024
Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 với thông điệp: “Ngành Du lịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa”.
Cụ thể Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các đơn vị tham gia phối hợp thực hiện một số nội dung như không sử dụng chai nước nhựa và túi ni lông trong Hội chợ; vận động đối tác, khách hàng hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi tham gia Hội chợ.
Các đơn vị vận động đối tác, khách hàng hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi tham gia hội chợ, tích cực thực hiện các hành động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, hướng tới thực hiện VITM không rác thải nhựa.
Ban tổ chức Hội chợ sẽ cung cấp cho mỗi gian hàng mỗi ngày một bình nước uống to (20 lít) kèm 20 cốc giấy miễn phí để sử dụng. Các đơn vị liên hệ với Ban tổ chức để được cung cấp thêm khi sử dụng hết bình nước này. Kêu gọi người dân, du khách khi tham gia Hội chợ tích cực hưởng ứng, không sử dụng vật dụng bằng nhựa dùng một lần.
VITM Hà Nội 2023 đã thu hút được nhiều du khách tham quan. Ảnh: VITM Hà Nội 2023. |
Với chủ đề "Du lịch Việt Nam- Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" (Vietnam Tourism - Green transition for sustainable development), Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 sẽ góp phần thúc đẩy các xu hướng mới. Đó là du lịch có trách nhiệm gắn với giữ gìn môi trường để phát triển; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ kinh doanh du lịch.
Hội chợ năm nay tập trung vào các sản phẩm du lịch xanh, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch bền vững. Hội chợ tập trung cho các hoạt động nhằm góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh, trên cơ sở xây dựng các điểm đến xanh, các sản phẩm xanh, thúc đẩy các doanh nghiệp đào tạo các lao động có kiến thức về du lịch xanh, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, VITM Hà Nội 2024 chính nền tảng giao lưu, hợp tác và phát triển bền vững cho ngành Du lịch Việt Nam.
Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14/4 tại Trung tâm triển lãm quốc tế ICE - Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch: Làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, chúng ta nên ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe. |
Nguồn: Ngành du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững