Ngành nông nghiệp Quảng Nam linh hoạt ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, bền vữngHòa Bình xuất khẩu lô hàng mía tươi đầu tiên sang Hoa Kỳ |
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My cho biết, toàn huyện hiện có 712ha đất lúa. Ngoài hồ chứa Nước Ron thuộc xã Trà Dương do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thì trên địa bàn huyện còn có hồ chứa Dương Hòa ở xã Trà Sơn và hồ chứa Nước Rin tại xã Trà Giáp do chính quyền các địa phương quản lý. Cùng với đó, Bắc Trà My có 158 đập dâng, đập bổi và hệ thống các công trình thủy lợi nhỏ.
Vụ hè thu năm nay, những công trình thủy lợi này chỉ đảm bảo tưới khoảng 605ha lúa. Còn lại 107ha, ngành nông nghiệp Bắc Trà My không đưa vào kế hoạch sản xuất vì lo không có nguồn nước tưới. Số diện tích đất lúa bỏ hoang chủ yếu nằm ở các xã Trà Dương 20ha, Trà Kót 10ha, Trà Giang 10ha, Trà Tân 15ha...
“Đáng chú ý, trong số 605ha đất lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, nếu thời gian tới nắng nóng diễn ra gay gắt khiến mực nước các hồ đập, khe suối tụt giảm mạnh thì nhiều khả năng sẽ có ít nhất 100ha lúa ở những khu vực cuối kênh bị khô hạn” - ông Vương nói.
Thị xã Điện Bàn đã thi công xong tuyến đập thời vụ ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện |
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, vụ hè thu 2023, nông dân Quảng Nam sẽ triển khai gieo sạ 41.500ha lúa, thời gian xuống giống từ ngày 20/5 và kết thúc vào 5/6/2023. Vấn đề đáng quan ngại nhất trong vụ hè thu năm nay là khô hạn và xâm nhập mặn khả năng sẽ diễn biến hết sức phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào các sông Vĩnh Điện, Bà Rén thuộc hệ thống sông Thu Bồn với nồng độ khá cao. Mới đây, sông Đầm thuộc TP.Tam Kỳ cũng bị nhiễm mặn với nồng độ đo được lên đến 9,2 phần nghìn. Dự báo, thời gian tới tình trạng này sẽ còn diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Hầu hết hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nước, khả năng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp một số địa phương phía bắc như Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An...
Trong khi đó, tính đến thời điểm này, dung tích của 17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý cơ bản đảm bảo. Đối với 48 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý thì hiện giờ mới có 9 hồ tích đầy nước, còn 39 hồ dưới mực nước dâng bình thường từ 1,5 - 2m.
“Nếu nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp thì dự báo vụ hè thu 2023 toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa khả năng thiếu nước tưới. Trong đó, có 3.000ha thuộc khu tưới của các hồ chứa và 7.000ha thuộc khu tưới của các trạm bơm” - ông Tý nói.
Ông Nguyễn Hồng Vương cho hay, chính quyền huyện Bắc Trà My đã gấp rút xây dựng cụ thể phương án phòng chống hạn vụ hè thu 2023 cho từng vùng. Nếu tình huống xấu xảy ra, huyện sẽ chi 2 tỷ đồng mua ít nhất 10 máy bơm dã chiến hỗ trợ các địa phương tận dụng mọi nguồn nước ngọt tưới lúa. Đồng thời dùng rọ sắt, đá hộc ngăn dòng chảy các khe suối và lắp đặt hệ thống đường ống nhựa để đưa nước về giải cứu 100ha lúa nằm trong diện nguy cơ bị khô hạn nặng.
Còn ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, ngay sau khi UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò để thi công đập thời vụ ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, ngày 10/4 địa phương triển khai xây dựng công trình và đã hoàn thành vào ngày 22/4. Tổng kinh phí đầu tư tuyến đập này là gần 2,8 tỷ đồng.
Tuyến đập thi công hoàn thành đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm điện Cẩm Sa, Tứ Câu, Vĩnh Điện, Thanh Quýt... vận hành ổn định để cung ứng nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là lúa) ở các địa phương Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, Điện Minh, Điện Phương, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Vĩnh Điện của thị xã Điện Bàn và một phần của Hội An, Đà Nẵng.
“Việc xây dựng đập ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện là nỗ lực rất lớn từ nhiều phía. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là hiện nay mực nước trên sông Thu Bồn xuống thấp, nước mặn từ hướng Cửa Đại xâm nhập lên khiến việc vận hành của một số trạm bơm điện bị ảnh hưởng. Ngành nông nghiệp Điện Bàn và chính quyền các địa phương đang linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó để đảm bảo nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng vụ hè thu 2023” - ông Chơi nói.
Ông Trương Xuân Tý thông tin, TP.Tam Kỳ cũng đã chủ động triển khai xây dựng đập ngăn mặn trên sông Đầm. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đang gấp rút hoàn tất những thủ tục liên quan để sớm tiến hành thi công đập ngăn mặn trên sông Bà Rén tại khu vực Cầu Đen (Duy Xuyên).
Để giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn và xâm nhập mặn gây ra, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần chủ động triển khai hiệu quả những biện pháp ứng phó. Theo đó, tập trung chỉ đạo nông dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống do Sở NN&PTNT hướng dẫn. Đối với các huyện miền núi, vùng không đảm bảo nước tưới cần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá khả năng nguồn nước để bố trí diện tích sản xuất lúa phù hợp, hạn chế tình trạng để đồng ruộng khô cháy do thiếu nước. Các đơn vị liên quan tính toán cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi do tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác để bố trí diện tích sản xuất phù hợp.
Đối với các hồ chứa có nguy cơ cao thiếu nước thì thực hiện việc chuyển đổi cây trồng chịu hạn trên đất lúa hoặc không sản xuất; áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tăng cường công tác quan trắc độ mặn trước và trong vụ sản xuất để đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho cây trồng. Các địa phương cần huy động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ, đào ao trữ nước...
Nguồn: Ngành nông nghiệp Quảng Nam linh hoạt ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn