Nghiên cứu "năng lượng của tương lai" thay cho than cốc, xăng dầu
Singapore khai trương trung tâm nghiên cứu ứng phó với nước biển dâng Quảng Ninh: Nghiên cứu đánh giá hiện trạng, bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long |
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, năng lượng hydrogen chưa được sử dụng cho mục đích năng lượng, chủ yếu được sử dụng với mục đích nguyên liệu phi năng lượng trong các ngành lọc dầu, phân bón, hóa chất.
Do đó, năng lượng hydrogen chưa đóng vai trò trong cân bằng cung cầu năng lượng quốc gia. Theo các định hướng về sử dụng năng lượng hydrogen, hydrogen đóng vai trò quan trọng trong khử các-bon ở ngành luyện kim, nguyên liệu hóa chất (phân bón), lọc dầu, giao thông vận tải (pin nhiên liệu, hydrogen, amoniac, nhiên liệu tổng hợp,... ).
“Với việc sử dụng năng lượng hydrogen, than cốc, xăng dầu có thể được thay thế để giảm phát thải CO2”, dự thảo đánh giá.
Hydrogen đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch, dự báo sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen sẽ định hướng phát triển cho toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất năng lượng hydrogen; sử dụng năng lượng hydrogen; vận chuyển, tồn trữ và phân phối hydrogen.
Ở Việt Nam, hydrogen được sản xuất chủ yếu từ quá trình lọc hóa dầu và sản xuất phân đạm để phục vụ cho chính hoạt động của các ngành công nghiệp này nhằm loại bỏ lưu huỳnh và các tạp chất N, O, kim loại... ra khỏi các dòng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm, khử xúc tác các oxide kim loại hoạt động, hoặc no hóa các hợp chất chưa bão hòa (hydrogen hóa).
Nhu cầu hydrogen của Việt Nam, thông qua nhu cầu hydrogen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2020 cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân đạm, khoảng 316.000 tấn hydrogen; các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm. Tổng nhu cầu hydrogen dự kiến sẽ tăng lên khoảng 4.000 KTA vào năm 2050.
Theo dự thảo, hiện hydrogen chưa được sử dụng cho mục đích năng lượng mà chủ yếu được sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Trong tương lai, hydrogen cần tiếp tục được sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch có thu giữ cácbon và nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời... ) thông qua các quá trình điện phân nước.
Một số dự án sản xuất hydrogen xanh đã được đề xuất khác như: Dự án đầu tư Thăng Long Wind 2 (TLW2) sản xuất hydrogen từ điện phân nước biển phục vụ xuất khẩu tại khu vực dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) với quy mô 2.000MW, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, thời gian triển khai dự kiến từ 2022 đến 2030. Dự án Nhà máy sản xuất khí hydrogen xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh theo công nghệ điện phân kiềm, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu. Dự án đã được khởi công xây dựng vào tháng 3/2023. Dự án Nhà máy sản xuất hydrogen xanh Bến Tre - Công ty TNHH TGS Green Hydro (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư. Một số tập đoàn khác cũng đang bắt đầu có những trao đổi bước đầu trong nghiên cứu, đầu tư dự án Hydrogen như TTVN Group, tập đoàn SK. |
Nguồn: Nghiên cứu 'năng lượng của tương lai' thay cho than cốc, xăng dầu