Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong bảo đảm an ninh nguồn nước
An ninh nguồn nước: Dưới góc nhìn của Thủy điện Tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm an ninh nguồn nước |
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Nguồn nước là sự sống, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của đất nước, sinh kế của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác nguồn nước hiệu quả thì việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao khả năng chống thấm cho đập đất, có những quy trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp các quy mô hồ chứa, đập khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tích hợp quan trắc, điều hành hồ chứa thông minh, hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn đập, hồ chứa, kết hợp với chuyển đối số hoàn thiện hệ thống thông tin công trình là nhiệm vụ quan trọng.
Trước thực tế này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 2846/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, mã số KC.14/21-30 nhằm mục tiêu đến năm 2030, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Chương trình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của Kết luận số 36-KL/TW hướng tới cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Cùng với đó, Chương trình cũng tập trung phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an ninh nguồn nước và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển, ứng dụng và chuyển giao được các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và công trình thủy lợi.
Chương trình đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: 60% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng hoặc ứng dụng thử nghiệm thành công; 30% số nhiệm vụ có đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích) được chấp nhận, trong đó 10% số nhiệm vụ có bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được công nhận; 20% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện…
Ảnh minh họa. |
Để triển khai hiệu quả Chương trình trên, các đơn vị triển khai nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; quản lý rủi ro, quản trị an ninh nguồn nước trong xu thế thay đổi và phát triển bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, giải pháp đánh giá nguồn nước, nhu cầu nước và yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước của Việt Nam thông qua việc nghiên cứu tích hợp các công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số để kiểm kê, đánh giá, dự báo số lượng, chất lượng nước, nhu cầu sử dụng nước và cân bằng nước theo không gian và thời gian; đề xuất bộ tiêu chí, bộ chỉ số an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Nghiên cứu công nghệ, giải pháp kỹ thuật và cung cấp cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nước và sử dụng nước bảo đảm an ninh nguồn nước; lồng ghép an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến và giải pháp phát triển nguồn nước, đề xuất giải pháp, công nghệ tiên tiến phục vụ điều hòa, phân phối, chuyển nước, liên kết nguồn nước, thiết lập mạng lưới công trình thủy lợi ở từng lưu vực, liên lưu vực, vùng, liên vùng, quốc gia. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, giải pháp phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng nước theo hướng tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số và đề xuất giải pháp phục vụ phân bổ hợp lý, tối ưu cho các đối tượng sử dụng nước; quản lý nhu cầu sử dụng nước; kiểm soát mặn, ngọt vùng ven biển. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến và giải pháp cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước và sản xuất, cung ứng nước sạch nhằm sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tuần hoàn, tăng năng suất nước, chống thất thoát nước.
Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số phục vụ quan trắc, giám sát, kiểm soát chất lượng nước, đánh giá khả năng chịu tải, quản lý, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải, đề xuất lộ trình giảm xả thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phương pháp, vật liệu, thiết bị phục vụ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, nâng cao năng lực điều tiết nước, nâng cao mức bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số xây dựng hệ thống giám sát vận hành thông minh nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và mức bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước và liên hồ chứa; xây dựng phương án và kế hoạch chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, liên hồ chứa và vùng hạ du đập.
Dự kiến sản phẩm của kết quả nghiên cứu sẽ là các giải pháp, công nghệ đánh giá, dự báo số lượng, chất lượng nước, nhu cầu sử dụng nước và cân bằng nước; quan trắc, giám sát thời gian thực, ứng phó với biến động nguồn nước, hạ thấp mực nước, cạn kiệt, suy thoái nguồn nước; kiểm soát mặn, ngọt vùng ven biển. Giải pháp tạo nguồn nước, bổ cập nước dưới đất; điều hòa, phân phối, chuyển nước, liên kết nguồn nước; thu, tích trữ nước và công nghệ lọc, xử lý nước. Giải pháp và công nghệ phục vụ hiện đại hóa hạ tầng và quản lý, vận hành thông minh hệ thống công trình; cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước và sản xuất, cung ứng, quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt.
Giải pháp quan trắc, giám sát, kiểm soát chất lượng nước, nguồn thải và các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống ô nhiễm và cải thiện, phục hồi chất lượng, xử lý môi trường nước; nâng cao, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, môi trường nước dưới đất, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng... Giải pháp, công nghệ phục vụ kiểm định, đánh giá rủi ro và hiệu quả phục vụ của đập, hồ chứa nước; phục vụ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước; dự báo, kiểm soát và giảm thiểu tác động của bồi lắng hồ chứa, nâng cao tuổi thọ và khả năng điều tiết nước của hồ chứa. Cùng với đó là thiết bị phục vụ quan trắc, xử lý môi trường nước; lọc, xử lý nước sinh hoạt; phục vụ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình. Các mô hình ứng dụng nhằm phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Nguồn:Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong bảo đảm an ninh nguồn nước