‘Ngôi sao’ bán lẻ Saigon Co.op hụt hơi
Lukoil mua lại các doanh nghiệp dầu nhờn và bán lẻ của Shell tại Nga |
Được thành lập từ năm 1989, Saigon Cop.op được biết đến là “ngôi sao” trên thị trường bán lẻ với các thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và Finelife. Sau 30 năm hoạt động, Saigon Cop.op là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam với 43% thị phần kênh siêu thị xét về doanh số bán hàng.
Năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ của Saigon Co.op bỏ xa các doanh nghiệp nội địa trong ngành.Cụ thể doanh thu của Saigon Co.op năm 2019 là 35.000 tỷ đồng, Wincommerce là 23.500 tỷ đồng, Bách Hoá Xanh 10.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau, vị thế dẫn đầu của Saigon Co.op đã thay đổi, ông lớn ngành bán lẻ một thời đang cho thấy dấu hiệu bị hụt hơi trên “đường đua”.
Kết thúc năm 2021, trong khi WinCommerce thể hiện sự tăng trưởng ổn định qua các năm khi đạt 30.900 tỷ đồng, còn Bách Hoá Xanh có những bước chạy của những chú ngựa ô khi doanh thu tăng 33% lên 28.216 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Saigon Co.op chỉ đạt 30.671 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,8% so cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh đi xuống của Saigon Co.op diễn ra sau khi nhiều lãnh đạo cấp cao của nhà bán lẻ này “ngã ngựa” vì các vi phạm nguyên tắc quản trị, điều hành, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, dẫn đến bị khởi tố, bắt tạm giam.
Cụ thể, theo kết luận mới đây của cơ quan điều tra, vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 khi chuỗi siêu thị BigC tại Việt Nam công bố thông tin chuyển nhượng, Saigon Co.op đã xin chủ trương mua lại chuỗi BigC và được UBND TP.HCM chấp thuận.
Để thực hiện giao dịch, Saigon Co.op lên kế hoạch huy động 10.000 tỷ đồng đặt cọc và nhanh chóng nhận được 3.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại hệ thống BigC Việt Nam với giá 1,05 tỷ USD.
Thay vì hoàn trả số tiền cho nhà đầu tư, ông Diệp Dũng khi đó là Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã tự ý ký các hợp đồng hợp tác đầu tư trị giá 300 tỷ và 700 tỷ đồng với các doanh nghiệp bất động sản, với lãi suất 7%/năm và nhận gốc lãi 1 lần vào cuối kỳ.
Sau nhiều lần gia hạn các hợp đồng này, đến 24/3/2018, thêm một lần nữa ông Diệp Dũng không thông qua HĐQT, ký thoả thuận bổ sung điều chỉnh mức lợi nhuận từ 7%/năm xuống 0%/năm. Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước 115 tỷ đồng, bao gồm cả tiền truy thu thế 29 tỷ đồng.
Trước đó, Saigon Co.op cũng có lần tăng vốn điều lệ bất thường mà cơ quan Thanh tra TP.HCM từng chỉ ra. Theo đó, vào cuối tháng 1/2020, đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op đã đưa ra Nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng, tương đương tăng 50% vốn sở hữu.
Kết quả, 20 trong tổng số 26 hợp tác xã thành viên tham gia góp vốn với số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất là hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.
Điểm bất thường trong lần góp vốn này là có một số hợp tác xã thành viên hoạt động có mức lợi nhuận sau thuế từ 5-6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn. Trong khi đó, các hợp tác xã chỉ đạt mức lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại bất ngờ có dòng tiền lớn và tham gia góp vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Truy nguồn gốc dòng tiền, Thanh tra TP. HCM xác định các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài. Từ đó Thanh tra TP. HCM nhận định đã có các tổ chức, cá nhân thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Đây là dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước.
Nguồn: ‘Ngôi sao’ bán lẻ Saigon Co.op hụt hơi