Người gìn giữ ngôn ngữ và lan tỏa văn hóa Tày
Mãn nhãn đêm UNESCO ghi danh Xoè Thái là di sản văn hoá nhân loại Phát triển du lịch xanh từ nguồn tài nguyên văn hóa bản địa |
Ông Hoàng Văn Phúc truyền dạy lại ngôn ngữ Nôm Tày cho con trai. |
Trong chiếc tủ gỗ chia thành nhiều ngăn, gần 30 đầu sách được sao chép lại từ sách cổ, chia thành 2 bộ chính là: bộ Cát (sách truyện thơ, câu đối, hát lượn, cầu an, cầu tự...) và bộ Hung (sách cúng trừ tà, trục quỷ, giải hạn...), để ngay ngắn, cất giữ cẩn thận. Nhiều cuốn sách của ông qua năm tháng đã ngả màu, nhiều trang không còn nguyên vẹn. Nhưng mỗi cuốn sách đều hàm chứa nét văn hóa độc đáo của người Tày như quyển Sléc Tuổn (sách cúng trong lễ đầy tháng); Sléc Chải, mo (sách cúng giải hạn, cầu yêu); Sléc Quét lườn (sách cúng vào nhà mới); Sléc truyện thơ Tần Chu (sách truyện thơ Tần Chu)...
Ông Phúc chia sẻ: "Văn hóa của người Tày được thể hiện rõ qua các ký tự, ngôn ngữ, trang phục, chữ Nôm Tày. Chữ Nôm Tày được xây dựng trên cơ sở chữ Hán (chủ yếu dạng phồn thể) gồm toàn bộ các nét, các bộ thủ và các chữ Hán nguyên bản, sử dụng âm Hán - Việt, thuộc thể loại chữ tượng hình. Trong cách viết, Nôm Tày tuân thủ trình tự viết chữ Hán là từ trái sang phải, từ trên xuống dưới theo hàng dọc, vào trước đóng sau. Nhờ có chữ viết nên đến nay người Tày vẫn còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, gia đình, dòng họ, tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán...".
Từ năm 18 tuổi, ông Hoàng Văn Phúc đã sử dụng thành thạo chữ Hán - Nôm Tày do được theo cha là thầy tào hay sử dụng sách Nôm Tày để cúng, làm lễ cho nhiều gia đình. Sau này kế nghiệp, ông Phúc bắt đầu dịch sách, sao chép lại sách cổ bằng chữ Nôm Tày để vận dụng vào công việc làm thầy tào, dịch thuật những thư tịch cổ. Đó là các tập truyện thơ, câu đối, lượn cọi, các bài then, bụt, văn cúng dùng trong các nghi lễ cấp sắc, cầu mùa, cầu an, giải hạn cúng cho người ốm; văn Quan làng dùng trong nghi lễ cưới xin; văn tự ghi ruộng đất, gia phả... viết trên giấy bản bằng mực nho, dưới dạng văn vần thất ngôn. Người sử dụng chủ yếu vẫn là các thầy then, thầy pụt, thầy tào và một số cụ già cao niên và học theo cách truyền khẩu do người xưa dạy lại, còn người hiểu sâu về chữ Nôm Tày thì không nhiều. Để lưu giữ và bảo tồn chữ Nôm Tày, ông Phúc cũng đã truyền dạy cho con trai Hoàng Văn Lý và một số người theo nghề thầy cúng tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Lý cho biết: "Trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông qua truyền dạy miệng và ghi chép thủ công nên có nhiều biến thể, có nhiều chữ được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo nên để có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày thì người học phải có trình độ nhất định về chữ Hán - Nôm. Chữ Nôm Tày dùng trong sách cúng về âm đọc sẽ gần giống tiếng Quan Hỏa trong sách cúng của thầy tào, còn chữ Nôm Tày dùng để ghi chép truyện thơ ca, hát lượn cọi sẽ giống ngôn ngữ giao tiếp của người Tày, thông dụng, dễ hiểu hơn. Hiện nay, phần lớn là người cao tuổi, làm nghề thầy cúng mới học và thực hành loại chữ này".
Ông Hoàng Văn Phúc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" năm 2019. |
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Pác Nặm Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Năm 2019, ông Hoàng Văn Phúc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" vì đã cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc . Đây là sự ghi nhận những cống hiến, nỗ lực của Nghệ nhân trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa về tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Tày; đóng góp trong việc cung cấp tư liệu giúp chữ Nôm của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguồn:Người gìn giữ ngôn ngữ và lan tỏa văn hóa Tày