Nhận diện môi trường đầu tư công: Những dấu hiệu bất thường trong công tác đấu thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn
Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi từ đầu tư công năm 2023? Bộ Tài chính “giục” địa phương khẩn trương phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 |
Qua khảo sát thực tế một số địa phương, triển khai Chuyên đề nghiên cứu “Nhận diện môi trường đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục”, Nhóm phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã tìm hiểu công tác quản lý và chính sách đầu thầu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động kinh doanh, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Qua đó, đã nhận được những ý kiến phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều bất cập, chưa minh bạch trong công tác đấu thầu tại Sở Giáo dục và đào tạo (gọi tắt là Sở GD&ĐT).
Không đăng tải đầy đủ thông tin về sản phẩm mua sắm
Tại Khoản 3, Điều 22, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính quy định: Đối với mỗi chủng loại hàng hóa, thiết bị trong gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu phải đăng tải các thông tin: Tên hàng hóa; Công suất; Tính năng, thông số kỹ thuật; Xuất xứ; Giá (hoặc đơn giá trúng thầu).
Khoản 3, Điều 17, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng quy định: "Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải công khai chi tiết thông tin vể các hạng mục hàng hóa thuộc gói thầu".
Tuy nhiên, theo hồ sơ nghiên cứu về một số gói thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư có dấu hiệu che dấu thông tin về sản phẩm cung cấp trong gói thầu.
Cụ thể: Ngày 03/01/2021, Ông Hồ Công Liêm - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã kí quyết định số 1599/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu (E-HSMT) “Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Gói thầu này do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư đồng thời cũng là bên mời thầu.
Theo thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, đây là gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và sử dụng nguồn ngân sách theo Quyết định số 2599/QĐ – UBND ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Giá gói thầu theo quyết định phê duyệt E-HSMT là 31.036.590.600 đồng. Đơn vị lập hồ sơ mời thầu (E-HSMT) là Công ty CP Tư vấn và đầu tư công nghệ Đức Trí còn Công ty CP Tư vấn giáo dục và y tế Việt Nam là đơn vị thẩm định HSMT.
Mặc dù là một gói thầu có giá trị lớn, thế nhưng sau khi kết thúc giai đoạn mở thầu, chỉ có duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.
Quyết định số 1911/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 năm 2021-2022 cho các trương trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. |
Ngày 30/12/2021, Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã ký Quyết định số 1911/QĐ – SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Công nghệ tin học viễn thông – Công ty CP xây lắp thiết bị và công nghệ Phương Nam; giá trúng thầu là 30.368.386.000 VNĐ.
Đáng nói, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đáu thầu Quốc gia, tất cả 179 sản phẩm, thiết bị trúng thầu đều có cùng một loại kí hiệu, nhãn mác ‘TBLS’ và được đánh số thứ tự từ TBLS001 đến TBLS260.
Giá trúng thầu của gói thầu số số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 năm 2021-2022 cho các trương trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn - có ký hiệu nhãn, mác của sản phẩm "mập mờ". |
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh tại một số đơn vị phân phối, cung cấp thì các thiết bị điện tử có trong gói thầu như: Máy tính xách tay, nồi cơm điện, bếp điện tử, quạt điện, đồng hồ, nhiệt kế điện tử... trên thị trường hiện nay không hề tồn tại loại ký hiệu, nhãn mác là TBLS.
Đơn cử như sản phẩm máy tính xách tay, ký hiệu, nhãn mác của sản phẩm sẽ gắn với thương hiệu của nhà sản xuất như: Dell Inspiron 15 3511 hay Apple MacBook Air M1 256GB 2020... Không có thương hiệu máy tính xách tay nào có kí hiệu TBLS260 cả và các đại lý cho rằng đây chỉ là nhãn mác tự đặt ra.
Không chỉ mập mờ về nhãn mác, ký hiệu hàng hóa mà ở mục ‘Mô tả hàng hóa’ cũng không được đăng tải theo đúng quy định. Tất cả các sản phẩm trúng thầu đều chỉ nêu: “Thông số kỹ thuật chi tiết của hàng hóa trong chương V của E- HSMT”.
Tương tự, tại “Gói thầu 03: Mua sắm đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” cũng do Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.
Quyết định số 1431/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 3: Mua sắm đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. |
Đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước với giá gói thầu là 13.536.693.000 VNĐ, kinh phí từ nguồn hỗ trợ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục: Đề án phát triển giáo dục mầm non đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tại Quyết định số 2599/QĐ – UBND ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Long Hưng – Công ty TNHH MTV công nghệ Thăng Long Việt (địa chỉ tại Tập thể xí nghiệp xây dựng cầu 202, khu Liên Cơ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội); giá trúng thầu là 13.130.165.000 VNĐ.
Các thông tin về gói thầu được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, có đến 45/46 sản phẩm, thiết bị trúng thầu đều cùng một loại ký hiệu “MN” được đánh số thứ tự lần lượt từ MN231001 đến MN231021 và MN232022 đến MN232076. Trong đó, sản phẩm đàn Organ xuất xứ Trung Quốc có nhãn hiệu MN231020; sản phẩm tivi màu 55 inch xuất xứ Indonesia có nhãn hiệu MN231018. Thế nhưng theo các đại lý phân phối mà nhóm phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh khảo sát thì không có sản phẩm đàn Organ hay tivi nào có nhãn hiệu MN231020, MN231018.
Nghi vấn đội giá thiết bị ở gói thầu nhiều tỷ đồng
Tại "Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước với giá 13.689.773.000 VNĐ.
Sau khi kết thúc giai đoạn mở thầu, vẫn chỉ có một nhà thầu tham dự và được phê duyệt trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Hoàng Mai - Công ty TNHH Công nghiệp FDI Việt Nam với giá 13.504.279.000 VNĐ.
Quyết định Số 3390/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. |
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm trúng thầu trong gói thầu này có giá cao hơn rất nhiều so với giá trên thị trường và mua sắm tập trung tại một số đơn vị công lập khác.
Qua khảo sát ngẫu nhiên 3/21 sản phẩm tại gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhóm phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận thấy có sự khác thường do công ty cung cấp lại có giá cao hơn so với thị trường nhiều, cụ thể:
Sản phẩm bộ sa bàn giáo dục giao thông, xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 970.200 VNĐ/cái. Trong khi đó giá bán sản phẩm này do Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Miền Nam niêm yết chỉ 262.000 đồng/cái. Với số lượng 904 bộ sa bàn cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hơn nửa tỷ đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.
Giá trúng thầu của gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. |
Hay như sản phẩm thiết bị âm thanh (dàn âm thanh) TRAmp-STU được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 13.607.000 VNĐ/cái trong khi cũng sản phẩm này, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội chỉ mua với giá bằng một nửa, tức 6.050.000 VNĐ/cái. Với số lượng 143 chiếc, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chưa dừng lại, sản phẩm giá vẽ (3 chân hoặc chữ A), xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 459.900 VNĐ/cái nhưng giá trên thị trường thấp hơn khá nhiều.
Cây nước nóng lạnh HC01-W được phân phối chính hãng tại KAROFI có giá giao động 2.450.000 VNĐ - 2.650.000 VNĐ. |
Tương tự, cây nước nóng lạnh HC01-W, xuất xứ Việt Nam do Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 4.455.000 VNĐ/cái nhưng theo khảo sát giá thị trường chỉ 2.450.000 VNĐ - 2.650.000 VNĐ/cây. Với số lượng cần mua 181 cây, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao của Sở GD&ĐT Lạng Sơn lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đó là chúng tôi mới chỉ điểm qua một vài thiết bị ngẫu nhiên trong gói thầu trị giá hơn 13,5 tỷ nhưng có sự chênh lệch giá đáng kể giữa giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn so với sản phẩm cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ được rao bán trên thị trường.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì việc chênh lệch giá tại các gói thầu thời gian qua thường ở mức cao hơn giá thành sản phẩm ngoài thị trường, thậm chí có những gói thầu đội giá rất cao khiến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cần phải xem xét. Rất có thể xảy ra hiện tượng “thổi” giá trị sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, khoản tiền chênh lệch sẽ đi đâu, vào túi ai là điều cần làm rõ(?)
Theo luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh - Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.
Theo điều 222, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi được quy định tại khoản 1, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. |