Nhiều dự án điện gió ở Gia Lai chưa thể vận hành thương mại
Châu Âu lên kế hoạch xây dựng lưới điện gió chung dưới biển, tăng cường an ninh năng lượng Kỳ vĩ thi công điện gió trên biển |
Một dự án điện gió tại huyện Đức Cơ, Gia Lai đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào vận hành. Ảnh: Ngọc Tân |
Theo báo cáo Sở Công Thương Gia Lai, tính đến nay, tỉnh này đã có 11/16 dự án điện gió được vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 563,4/1.192,4 MW (chiếm tỷ lệ 47,23%).
Trong 11 dự án được công nhận vận hành thương mại, có 7 dự án vận hành 100% quy mô công suất với 106/297 turbine, tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được vận hành thương mại một phần (gồm: dự án điện gió Ia Le 1 với 14/28 turbine; dự án điện gió Ia Pếch với 5/15 turbine; dự án điện gió Chơ Long với 11/35 turbine; và dự án điện gió Hưng Hải Gia Lai với 1/25 turbine).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án khác đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại gồm: 2 dự án điện gió Phát triển Miền núi và Chế biến Tây Nguyên; dự án điện gió Ia Pếch 2; dự án điện gió Song An và dự án điện gió Yang Trung.
Về nguyên nhân khiến 2 dự án điện gió Phát triển Miền núi và Chế biến Tây Nguyên chưa được công nhận vận hành thương mại là do đường dây 110kV và trạm biến áp nâng 110kV thuộc 2 dự án điện gió nói trên chưa đủ điều kiện đấu nối và đóng điện.
Bên cạnh đó, dự án điện gió Ia Pech đăng ký vận hành thương mại với 12 turbine nhưng đến khi thử nghiệm chỉ đạt 5 turbine.
Các dự án điện gió Ia Pech 2 (2 turbine), điện gió Song An (5 turbine), điện gió Yang Trung (1 turbine) đăng ký vận hành thương mại nhưng khi thử nghiệm đều không đạt. Dự án điện gió Hưng Hải, đăng ký vận hành thương mại 6 turbine nhưng thử nghiệm chi đạt 1 turbine.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, với các dự án hoàn thành sau thời điểm 31/10/2021 (thời điểm hết hạn hưởng ưu đãi theo cơ chế giá FIT của Thủ tướng Chính phủ) nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động là do vẫn chưa được nghiệm thu.
"Muốn nghiệm thu là phải vận hành đóng điện, có hợp đồng mua bán điện. Nhưng giờ ai mua, bán cho ai khi Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành giá bán điện chính thức", ông Bình giải thích.
Trao đổi vớNhadautu.vn, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: "Cứ tình hình thế này rất khổ cho các nhà đầu tư khi vẫn phải gồng gánh áp lực tài chính, lãi vay các thứ trong khi dự án chưa thể vận hành, không có nguồn thu. Nếu không cho các dự án được hưởng giá FIT nữa thì cũng mong Bộ Công Thương sớm công bố chính sách, cơ chế giá bán điện để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, tránh lãng phí tài sản quốc gia".
Không chỉ trên địa bàn Gia Lai mà còn có rất nhiều dự án điện gió khác trên cả nước đang chờ vận hành thương mại (COD). Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 31/10/2021, trên cả nước chỉ có 69 dự án điện gió với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận COD. So với con số 106 dự án có tổng công suất 5.655,5 MW đã đăng ký thì còn khoảng 2.300 MW đã lỡ hẹn.
Trong đó, có khoảng 1.000 MW điện gió đã hoàn tất đầu tư nhưng không kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và vẫn đang mòn mỏi chờ cơ chế mới.
Nguồn: Nhiều dự án điện gió ở Gia Lai chưa thể vận hành thương mại