Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch đêm
Việt Nam sẽ phát triển du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng |
Với lợi thế dân số đông, văn hóa và ẩm thực độc đáo, nhiều đô thị (thành phố lớn) đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó du lịch đêm hiện đang được nhiều địa phương quan tâm, khai thác. Liên quan đến sản phẩm này, hồi tháng 7/2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Theo Đề án, đến năm 2025, các địa bàn gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tại các trung tâm du lịch lớn nói trên sẽ mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông được phát triển đồng bộ và hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam. Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: Hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm…
(Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, ngành Du lịch ở nhiều địa phương cho rằng, bên cạnh các lợi thế thì phát triển du lịch đêm có nhiều vấn đề cần quan tâm. Với dịch vụ du lịch ban đêm, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và người dân để không dẫn đến hoạt động tự phát - rào cản trong phát triển du lịch kinh tế đêm. Mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh phải là một hướng dẫn viên, đại sứ du lịch, vừa kinh doanh phát triển kinh tế, vừa mang bản sắc phục vụ du khách.
Các quy định về phát triển kinh tế đêm như thời gian hoạt động, giấy phép hoạt động, các tiêu chuẩn cho từng loại hình kinh doanh, trong đó có thẩm quyền và trách nhiệm của từng đơn vị để phân cấp công việc một cách rõ ràng. Đặc biệt, cần quan tâm các vấn đề về bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Vì hoạt động giải trí về đêm dễ gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh, đặc biệt là thời điểm về khuya. Hoạt động kinh doanh phải lành mạnh, tạo sức hút nhưng không chèo kéo, "chặt chém" du khách.
Do đó, cần nghiên cứu quy định về thời gian hoạt động và dịch vụ ban đêm, có chính sách cho người lao động phục vụ hoạt động du lịch đêm và có chính sách thu hút các nhà đầu tư, có chính sách về giá điện cho doanh nghiệp hoạt động kinh tế du lịch đêm phù hợp hơn. Đặc biệt, đối với công tác bảo vệ môi trường (xả thải, tiếng ồn) và công tác đảm bảo an ninh trật tự cần phải có chế tài phù hợp, chặt chẽ để không ảnh hưởng, gây phiền hà đến người dân xung quanh.
Năm 2024, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành du lịch vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, ngành du lịch có nhiều việc cần phải làm, trong đó cần tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch... Một vấn đề khác cũng cần được ngành du lịch quan tâm, đó là công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ về giá cả, dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ.
Nguồn:Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch đêm