Nhiều nơi ở Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt
Theo Công ty khai thác các công trình thủy lợi Bình Thuận, tổng dung tích hữu ích của cả 49 hồ thủy lợi toàn tỉnh là 364 triệu m3 nhưng đến ngày 22/4 chỉ còn gần 100 triệu m3 do ảnh hưởng của khô hạn kéo dài. Trong khi cùng kỳ năm trước, thời điểm này toàn tỉnh còn 154 triệu m3. Một số hồ còn nước nhưng dung lượng tụt rất mạnh so với cùng kỳ như hồ Sông Lũy (lớn nhất Bình Thuận với 99,9 triệu m3) nay chỉ còn 23,4 triệu m3 so với cùng kỳ, thấp hơn 5 triệu m3; hồ Sông Móng chỉ còn 2,95 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ 8,1 triệu m3; hồ Cà Giây cũng chỉ còn 9,6 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ 17,1 triệu m3...
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, tính đến ngày 22/4, trên địa bàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, có 12.500 hộ dân với hơn 42.200 nhân khẩu đã thiếu nước sinh hoạt và 20.599 hộ với 57.000 nhân khẩu có nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới nếu thời tiết không có mưa.
Hàm Thuận Nam hiện là huyện khô hạn nhất cả tỉnh Bình Thuận, nguồn nước đang thiếu hụt trầm trọng. Báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Nam cho thấy, lượng nước hữu ích các hồ chứa trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam còn lại khoảng 11,1 triệu m3 đạt 24,3% dung tích thiết thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 6,2 triệu m3.
Toàn huyện có 8 hồ chứa và 13 đập dâng lớn nhỏ; tuy nhiên hiện chỉ còn hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập còn tưới 1 phiên cuối cho cây trồng và dự kiến kết thúc phiên cuối vào ngày 4/5/2024. Các công trình còn lại đã hết nước hoặc đã nhưng cấp nước tưới để dành cho nước sinh hoạt. Theo dự báo trong thời gian tới, nắng nóng sẽ kéo dài và khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới có mưa, do đó tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt sẽ rất gay gắt.
Hồ Tà Mon tại huyện Hàm Thuận Nam cạn trơ đáy. Ảnh: QH. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng thiếu nước là do tại các xã khu vực nông thôn chưa được đầu tư công trình cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa.
Đến năm 2024, khu vực nông thôn toàn tỉnh có 66 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 112.550 m3/ngày đêm, cung cấp nước máy cho 118.596 hộ (khoảng 483.000 người), chiếm tỷ lệ 60% dân số nông thôn. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 8 xã tương ứng với 79.000 hộ gia đình, chiếm 40% dân số nông thôn của toàn tỉnh chưa được đầu tư công trình cấp nước, người dân sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa.
Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt trên sông. Từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cho biết, các nhà máy nước do đơn vị quản lý có nguy cơ thiếu nước thô trong thời gian tới do các sông suối cạn kiệt nước. Tại huyện Tánh Linh, nguồn nước tại suối Đôi đã cạn kiệt. Trung tâm đã nạo vét lòng suối tại vị trí lấy nước để tận dụng nguồn nước nhĩ, cấp nước cho nhà máy nước (NMN) Đức Phú hoạt động, nhưng cũng không đủ đáp ứng.
Ngoài ra, nguồn nước thô của hồ Lâm trường Sông Dinh sắp cạn kiệt, ước tính lượng nước thô còn lại trong hồ chỉ đủ sử dụng để xử lý cung cấp nước đến hết tháng 5/2024. Cùng thời điểm này, tại NMN Lạc Tánh, nguồn nước thô từ Thác Bà bị suy giảm rất nhiều, không đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho NMN hoạt động, ngưng cấp nước 2 giờ/ngày. Dự kiến đến tháng 5/2024 nếu không có mưa bổ sung thì khả năng từ đầu tháng 6 NMN sẽ tạm ngưng cung cấp nước…
Trước tình hình hạn hán kéo dài, hồ chứa nước cạn kiệt nguy cơ khoảng 57.000 người dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt. |
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai các phương án chủ động ứng phó; giải pháp để điều tiết nguồn nước, đưa nước đến cho những vùng bị thiếu nước cục bộ khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi để điều phối nguồn nước, trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt đáp ứng nhu cầu đăng ký sử dụng của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch khai thác tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối, trữ vào ao, bể chứa nước thô tại công trình; tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, giếng đào cấp nước thô cho các công trình cấp nước nhằm duy trì hoạt động sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Ngoài ra, các đơn vị vận hành khai thác tối đa công suất thiết kế của các nhà máy nước phục vụ chống hạn, thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, nhân dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tận dụng các nguồn nước tại chỗ phục vụ cho các mục đích khác.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tại địa phương chủ động, linh hoạt trong việc tích trữ nước ngọt phục vụ cho mục đích sinh hoạt như: đào ao, đào giếng, khoan giếng, mua bồn trữ nước. Các địa phương tổ chức hỗ trợ, vận chuyển nước sinh hoạt đến từng cụm dân cư cấp cho các hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục rà soát, xác định các khu vực đã xảy ra, có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới để xây dựng giải pháp, kinh phí chi thực hiện việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các chủ đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình cấp nước sinh hoạt thuộc kế hoạch đầu tư năm 2024 sớm hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành, kịp thời cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét bố trí kinh phí đầu tư tuyến ống lấy nước từ Nhà máy nước Trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Bắc với chiều dài khoảng 4,5 km cấp nước phục vụ sinh hoạt cho 202 hộ dân tại tổ Gò Quao, khu phố Tầm Hưng và tổ 2, tổ 8, khu phố Lâm Giáo, thị trấn Ma Lâm…
Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh là vấn đề cấp thiết, do đó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tập trung những điểm nóng về thiếu nước sạch. Với mục tiêu không để người dân trên địa bàn tỉnh phải thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt, trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục quan tâm đến vấn đề cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Riêng đối với các danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đang triển khai, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng để giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân tại các địa phương.