Nhiều thách thức trong quản lý nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tài nguyên nước mặt của vùng ĐBSCL đến chủ yếu từ dòng chảy sông Mekong, hàng năm khoảng 475 tỷ m3, chuyển trên 443 tỷ m3 nước vào ĐBSCL (94%) và nội sinh khoảng 32 tỷ m3 (chiếm khoảng 6%). Lượng nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các công trình thủy điện thượng nguồn.
Chẳng hạn như Trung Quốc đã lập kế hoạch xây dựng 20 công trình thủy điện trên sông Lan Thương với tổng công suất phát điện khoảng 29.209 MW và tổng dung tích hữu ích các hồ chứa khoảng 25 tỷ m3. Đến nay, đã có 12 công trình đi vào vận hành với khả năng kiểm soát dòng chảy rất lớn. Chỉ riêng 02 hồ lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ đã có dung tích khoảng 22 tỷ m3. Trữ lượng tài nguyên nước dưới đất trên toàn lưu vực khoảng gần 72 triệu m3/ngày; trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất khoảng 7,8 triệu m3/ngày.
Thách thức lớn của ĐBSCL hiện nay là nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian. |
ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu nên trong giai đoạn 2010 - 2023 làm cho tổng lượng mưa các năm suy giảm từ 5- 10%, đồng thời với việc khai thác thượng nguồn dẫn đến mặn xuất hiện trên ĐBSCL trong những năm vừa qua có xu hướng sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây. Độ mặn trên sông Tiền và sông Hậu hiện nằm ở mức 4g/l, xâm nhập sâu nhất khoảng 50-65km; trên sông Vàm Cỏ là 4g/l, xâm nhập sâu nhất khoảng 90-120km. Hiện trạng này dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng như: mất mùa, khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất…
Cùng với vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, vùng ĐBSCL còn đang phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước xuyên biên giới, cũng như bởi các hoạt động phát triển kinh tế nội tại trong vùng như: Nước thải sinh hoạt từ các đô thị; nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy hải sản, chăn nuôi, trồng trọt; hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang có những tác động đáng kể đến chất lượng các nguồn nước…
Theo các chuyên gia, ĐBSCL là vùng sông nước mênh mông, nhưng lại tồn tại nghịch lý thiếu nước ngọt trầm trọng. Hiện có khoảng 18 triệu dân, tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia chỉ đạt hơn 60%. Nguồn nước chính cung cấp cho các nhu cầu được lấy từ các sông rạch (thông qua các nhà máy nước để cung cấp nước sinh hoạt), nước mưa, nước ngầm tầng nông và nước ngầm tầng sâu.
Nguồn nước tại ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Ảnh: TTX. |
Theo Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia, nhu cầu nước cả vùng đến năm 2030 hơn 58 tỷ m3, đến năm 2050 gần 58,8 tỷ m3. Nhu cầu nước tăng đồng thời nước thải phát sinh cũng tăng. Đây sẽ là áp lực lớn đối với nguồn nước của ĐBSCL, đặc biệt là giải quyết vấn đề nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt ở các kênh, rạch nhỏ chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp.
Từ những thách thức trên, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho rằng, về giải pháp trước mắt là tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng hạn chế thiệt hại.
Còn về lâu dài trong quá trình đầu tư phát triển, các ngành cũng phải tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái như nước mặn, nước lợ, nước ngọt đã chỉ ra trong các quy hoạch và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.
Các chuyên gia cho biết, cần tập trung cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao; tăng cường pháp chế liên quan kiểm soát nguồn nước; thường xuyên theo dõi các vấn đề nước xuyên biên giới trên lưu vực; tăng cường bảo tồn nguồn nước và sử dụng nước hợp lý và chia sẻ thông tin nguồn nước rộng rãi, hiện đại hóa hệ thống quan trắc nguồn nước. Xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước sông Cửu Long, căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, và nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
Nhiều ý kiến đề xuất việc xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc điều hòa, phân phối nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Song song đó là việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn sông Mekong, nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại. Nghiên cứu, triển khai các phương án, các giải pháp tích trữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước.
Đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung theo hướng thích ứng với nguồn nước (có thể xử lý nước mặn khi nguồn nước bị xâm nhập mặn) có quy mô phù hợp với từng địa phương và có giá thành phù hợp cho người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng thường xuyên xâm nhập mặn. Đồng thời, cần hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là dự báo ngắn hạn 10 ngày, theo tháng, theo mùa.
Nguồn: Nhiều thách thức trong quản lý nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long