Những điều chưa biết về Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học
Tại sao các quốc gia lập cam kết về đa dạng sinh học?
Những cam kết này sẽ nêu rõ cách mỗi quốc gia có kế hoạch đóng góp để đạt được các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học, đã được nhất trí tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP15) được tổ chức tại Montreal, Canada vào năm 2022.
Thỏa thuận có tên là Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, đã thiết lập 4 mục tiêu chung cho năm 2050 và 23 nhiệm vụ cấp bách hơn cần hoàn thành vào năm 2030, chẳng hạn như đặt mục tiêu bảo tồn 30% diện tích đất và biển trên toàn cầu và huy động 200 tỷ USD để đầu tư vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Cam kết về đa dạng sinh học chính xác là gì?
Các mục tiêu chính thức được gọi là Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP).
San hô bị tẩy trắng ở Koh Mak, tỉnh Trat, Thái Lan |
Khi ký kết Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal năm 2022, các quốc gia đã đồng ý đệ trình các cam kết và kế hoạch quốc gia trước khi bắt đầu COP16. Các kế hoạch này nhằm mô tả những nỗ lực của quốc gia hướng tới việc đạt được các mục tiêu Côn Minh-Montreal và giúp họ đánh giá xem liệu họ có đi đúng hướng hay không.
Không giống như các cam kết về khí hậu quốc gia được cập nhật sau mỗi vài năm, hiện tại không có kế hoạch nào cho các quốc gia cập nhật các kế hoạch đa dạng sinh học của họ sau COP16.
NBSAPS được xác định như thế nào?
Không có định dạng cố định nào cho NBSAP. Điều này cho phép các quốc gia tập trung vào nỗ lực của mình. Việc không có định dạng chuẩn làm cho các kế hoạch khó so sánh.
Ví dụ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã trình một kế hoạch chặt chẽ dài 22 trang, trong khi kế hoạch của Pháp dài gần 400 trang.
Các kế hoạch riêng lẻ có thể nêu rõ diện tích đất đai hoặc lãnh thổ đại dương dành cho mục đích bảo tồn.
Những quốc gia khác sẽ tìm kiếm các giải pháp phục hồi đa dạng sinh học trên đất được sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc thiết lập các khu vực xanh ở các thành phố và thị trấn.
Các chuyên gia lo ngại rằng, với rất nhiều mục tiêu cần giải quyết, một số quốc gia có thể chỉ giải quyết những mục tiêu dễ đạt được nhất.
Đâu là sự khác biệt giữa NBSAPS và các cam kết về khí hậu?
NBSAPS tương tự như các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), trong đó các quốc gia báo cáo Liên hợp quốc các kế hoạch cắt giảm khí thải và các nỗ lực khác về biến đổi khí hậu. Các NDC đó nhằm mục đích đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu theo Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đánh giá tiến độ giảm phát thải carbon dioxide làm nóng hành tinh dễ hơn nhiều so với việc đánh giá tình trạng của các hệ sinh thái, động vật và thực vật trên thế giới. Các quốc gia vẫn đang quyết định cách tốt nhất để đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu về đa dạng sinh học trên toàn cầu.
Hai bộ cam kết của mỗi quốc gia - NBSAP về đa dạng sinh học và NDC về khí hậu - có thể trùng nhau vì đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu có tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, đa dạng sinh học giúp điều hoà khí hậu, mặt khác, biến đổi khí hậu có nguy cơ tàn phá các hệ sinh thái và động vật hoang dã.
Trên thực tế, các hướng dẫn được công bố cùng với Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal năm 2022 khuyến khích các quốc gia triển khai các hành động phục vụ cho cả hai bộ cam kết trên.
Các quốc gia có nộp NBSAPS đúng hạn không?
Vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh COP16, khoảng 16% các quốc gia đã nộp NBSAP. Mỗi kế hoạch đòi hỏi phải tham vấn với người dân địa phương và bản địa, một nỗ lực mất nhiều thời gian mà các quốc gia có ít nguồn lực hơn có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành đúng hạn.
Để hỗ trợ các quốc gia trong việc lập kế hoạch, Colombia và Đức đã khởi động sáng kiến Đối tác Tăng tốc NBSAP vào năm 2022, với ngân sách 30 triệu euro (32,65 triệu USD). Hiện tại, ít nhất 21 quốc gia đã tham gia, bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo và Sri Lanka.
Không có hình phạt nào đối với các quốc gia không đáp ứng được thời hạn. Các quốc gia cũng có lựa chọn nộp báo cáo chỉ liệt kê các mục tiêu quốc gia của họ mà không nêu chi tiết về cách thức đạt được các mục tiêu đó. Hơn 90 trong số 195 quốc gia đồng ý với Khung đa dạng sinh học toàn cầu đã trình các mục tiêu trên.
Nguồn: Những điều chưa biết về Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học