Những "gam sáng" của kinh tế Việt Nam năm 2023
Kinh tế Việt Nam 2023: Kiên định mục tiêu tăng trưởng cao nhất Việt Nam – câu chuyện tăng trưởng thần tốc và sự tăng bậc trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
Các chuyên gia kinh tế nhận định tăng trưởng nghiệp cụ thể là nông sản được coi là "bệ đỡ" của nền kinh tế năm 2023. Ảnh: Kim Ngọc |
Dẫn thông tin của Tổng cục Thống kê, PGS TS Nguyễn Trí Hải, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế - Luật cho biết các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong 2 tháng 10 và 11/2023 đều có chuyển biến tích cực, do tác động của chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công, kinh tế tư nhân và tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi, xuất khẩu tiếp tục gia tăng, do vậy, tăng trưởng quý IV/2023 có thể đạt 7,0% và tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt trên 5%. Đây là chỉ tiêu thấp hơn kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, song vẫn thể hiện sự nỗ lực của nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông Hải dự báo đến hết năm 2023, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng ≥ 3,5% (chỉ tiêu 3,0-3,5%), giữ vững vai trò "bệ đỡ" và là "trụ chính" của nền kinh tế.
Trong tăng trưởng nông nghiệp 11 tháng qua, các mặt hàng chính tăng trưởng kỷ lục có thể kể đến là lúa gạo, rau quả khi hai ngành này liên tục đạt được những tín hiệu khả quan cả về lượng đơn hàng xuất khẩu lẫn giá cả.
Hiện nay giá gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn đang trên đà tăng và dự báo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với đó sản lượng rau quả xuất khẩu năm 11 tháng 2023 đã hơn 5 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước đến nay. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quý IV năm nay, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về thêm 0,6 - 0,8 tỷ USD.
Bên cạnh nông nghiệp, vị PGS TS này còn chỉ rõ lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch, vận tải sẽ hoạt động sôi động hơn vào dịp cuối năm giúp tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục được cải thiện.
"Trong tháng 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 9,4% so với cùng kỳ; du khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2022, vượt xa chỉ tiêu năm 2023 (8,0 triệu người)", PGS TS Nguyễn Trí Hải nói về đóng góp khả quan của lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Thống kê từ Bộ Công thương qua 11 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ 2022, trong đó xuất khẩu ước đạt 322,5 tỷ USD (giảm 5,9%) và nhập khẩu đạt 296,67 tỷ USD (giảm 10,7%).
Ông Hải phân tích thêm về động lực tăng trưởng của nền kinh tế đến từ xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Tuy nhiên lĩnh vực xuất khẩu năm 2023 cũng có những mặt tích cực.
"Kim ngạch xuất khẩu được cải thiện dần, đặc biệt vào các tháng cuối năm, nếu 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, thì tháng 10 năm2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm xuất khẩu của nền kinh tế đã được cải thiện. Nền kinh tế vẫn duy trì xuất siêu, mức xuất siêu năm 2023 chắc chắn sẽ vượt xa năm 2022 (11,2 tỷ USD)", vị này chỉ ra những tín hiệu lạc quan.
TS Phạm Đỗ Chí – Cựu chuyên gia tài chính IMF phân tích về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023. Ảnh: Kim Ngọc |
Phân tích về vị thế kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2023, TS Phạm Đỗ Chí – Cựu chuyên gia tài chính IMF chia sẻ trong vòng 30 năm qua xuất khẩu hàng hóa Việt Nam là điểm sáng nổi bật về 2 phương diện lượng và chất, luôn đạt trung bình tăng trưởng ở mức 2 con số.
"Nếu trong 2 thập kỷ trước nông thủy sản, khoáng sản chiếm 46% thì đến nay chỉ còn 10% và thay vào đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 90%. Chứng tỏ sự thành công của công nghiệp hóa", TS Chí chỉ rõ.
Ông Chí còn nhấn mạnh việc kiều hối và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với nguồn vốn FDI vẫn gia tăng ấn tượng cùng sự đầu tư của hàng loạt ông lớn như Samsung, Intel...sẽ biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến tháng 11/2023, FDI của Việt Nam đã tăng lên khá ấn tượng, qua đó đưa tổng vốn đăng ký 11 tháng năm 2023 đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Cơ cấu ngành đầu tư FDI tại Việt Nam trong 10 tháng 2023 diễn ra khá đa dạng, với 18/21 ngành kinh tế quốc dân, đồng thời ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng "áp đảo", với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD,chiếm gần 73,1% tổng vốn đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ 2022.
Cho rằng các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong 2 tháng 10 và 11/2023 đều có chuyển biến tích cực, do tác động của chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công, kinh tế tư nhân và tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi, xuất khẩu tiếp tục gia tăng, ông Hải dự báo tăng trưởng Quý IV/2023 có thể đạt 7,0% và tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt trên 5%.
"Đây là chỉ tiêu thấp hơn kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, song vẫn thể hiện sự nỗ lực của nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2024 và các năm tiếp theo", vị này nói.
Nguồn:Những 'gam sáng' của kinh tế Việt Nam năm 2023