Những giải pháp kích cầu tiêu dùng là cần nhưng chưa đủ?
Tìm kiếm sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững |
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2023 và tiếp theo đó là đến Tết Âm lịch 2024. Theo quy luật hàng năm, những ngày tháng này là dịp để các đơn vị kinh doanh thương mại tăng doanh số và lợi nhuận cho mình. Chính vì vậy một vài tháng gần đây nhiều chương trình khuyến mại tại các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại liên tiếp được mở ra trong cả nước.
Trong điều kiện xuất khẩu chưa vượt qua khỏi những khó khăn, nhất là trong những tháng cuối năm, việc kích thích sức mua xã hội, đẩy mạnh việc tăng doanh số ở thị trường nội địa là một điều tất yếu.
Tình hình này không phải riêng ở Việt Nam mà còn diễn ra ở các nước châu Á và trên thế giới. Có những nước đã xuất quỹ chi tiền trực tiếp cho dân để mua sắm hàng hóa để tăng thêm sức mua xã hội, ngoài các chương trình khuyến mại được tăng cường so với những tháng trước đây.
Kích thích sức mua xã hội, đẩy mạnh việc tăng doanh số ở thị trường nội địa. |
Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục giảm thuế VAT 2% sang giữa năm 2024, thuế bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục giảm 50% cũng sang đến hết năm sau, ngoài ra Bộ Tài chính còn cho các doanh nghiệp hoãn nộp, giãn nộp thuế để tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vào những ngày cuối năm. Đây là sự cố gắng của nhà nước trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn. Song xem xét kĩ và đầy đủ hơn về kích cầu tiêu dùng thì việc giảm thuế và các chương trình xúc tiến thương mại được mở ra như đã nói ở trên là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Để công tác kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh, hiệu quả và thiết thực hơn, chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng, đem lại sức mua lớn hơn cho người tiêu dùng xã hội trong những ngày cuối năm. Cụ thể là, Quốc hội nên giảm thuế VAT ở mức 5%, tăng 3% so với quy định hiện nay. Cần xem xét việc có thể giảm bớt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và các loại thuế phí khác để góp phần làm cho mức giá bán lẻ các mặt hàng này hình thành một cách hợp lý và tăng mức chi tiêu của người dân.
Giải pháp tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, thu hút thêm lao động vào các công trường, xí nghiệp, nhà máy, tạo công ăn việc làm và thu nhập, từ đó kích thích sức mua toàn xã hội. Cần phải tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt trung gian một cách hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng đủ điều kiện đón nhận hàng hóa sản xuất, nhất là hàng hóa Việt.
Đi đôi với đó là các biện pháp kiểm soát thị trường vì quyền lợi của người tiêu dùng đối với những trường hợp đẩy giá cao vô lý trên thị trường bán lẻ mà nhiều tháng nay chúng ta chưa làm được. Điều này rất quan trọng bởi có tạo một mặt bằng giá bán lẻ hợp lý thì nhu cầu tiêu dùng chắc chắn phải tăng lên.
Tiếp tục công tác kiểm soát chống hàng lậu, hàng giả, trốn thuế, làm ăn phi pháp, lợi dụng đầu cơ tích trữ tăng giá kiếm lời bất chính. Các đợt khuyến mại phải trung thực, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp tiêu dùng trong xã hội để phục vụ cả khách hàng trong nước và nước ngoài.
Ngoài yếu tố về hàng hóa đa dạng phong phú, cần đặc biệt chú trọng công tác tổ chức kích cầu như: Kênh bán lẻ bố trí nhân lực phục vụ có nghiệp vụ, có văn hóa kinh doanh, luôn luôn sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của khách, cần coi trọng một lời cảm ơn khi khách đến và lúc ra về. Các đơn vị thương mại, sản xuất hàng hóa phải coi việc xây dựng thương hiệu trong đợt kích cầu này là cơ sở cho việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng gần xa.
Nếu làm được những vấn đề trên chắc chăn việc kích thích sức mua tiêu dùng cuối năm nay sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch kinh tế xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nguồn:Những giải pháp kích cầu tiêu dùng là cần nhưng chưa đủ?