Ninh Thuận đa dạng các sản phẩm thu hút khách du lịch
Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển trải dài 105 km cùng những dãy núi cao hướng ra Biển Đông, tạo nên những vịnh biển xanh, cát trắng, nắng vàng, như bãi tắm Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná; đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh trải dài,... Vịnh Vĩnh Hy năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cảnh quốc gia, được đánh giá là một trong bốn vịnh đẹp nhất Việt Nam (cùng với Vịnh Hạ Long-Quảng Ninh, Lan Hạ-Hải Phòng và Lăng Cô-Thừa Thiên Huế), Vườn quốc gia Núi Chúa (được UNESCO công nhận là Khu sinh quyển thế giới) và Vườn quốc gia Phước Bình có hệ sinh thái đặc thù, đang bảo tồn hàng trăm loài động, thực vật, rùa biển... quý hiếm.
Bên cạnh đó, Lễ hội Katê hằng năm gắn với các công trình kiến trúc tháp Chăm còn tồn tại tương đối nguyên vẹn; các tập tục hay (như: lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa gắn với nghệ thuật đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi của đồng bào Ra Glai; lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng... của ngư dân vùng biển)... lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cùng với 51 địa danh du lịch, Ninh Thuận là một trong số ít điểm đến tổ chức lướt ván diều tốt nhất thế giới với tốc độ gió 25 hải lý/giờ.
Ninh Thuận đẩy mạnh hình thành các sản phẩm du lịch mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát-muối; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; bốn sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch… tạo sự khác biệt để phát triển du lịch độc đáo. Với địa hình chủ yếu là những đồi cát và núi cao vươn ra biển, Ninh Thuận còn là thiên đường cho những trải nghiệm du lịch thể thao mạo hiểm như: Đua xe trên đồi cát, dù lượn, trekking,...
Tỉnh Ninh Thuận đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới như tham quan trải nghiệm tại đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, huyện Thuận Nam. Ảnh: VT. |
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến, tham gia nhiều hội nghị quảng bá và ký kết các chương trình phát triển du lịch với Hà Nội, TP.HCM..., qua đó, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới, như: Phát triển bộ môn lướt ván diều ở vùng biển huyện Ninh Hải; tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, huyện Thuận Nam; du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại các vườn nho, vườn táo, trang trại trồng hoa lan; làng sen Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước; du lịch cộng đồng tại làng bích họa Hòn Thiên, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Láng Me, đồng cừu An Hòa, đồi cừu Thành Sơn, huyện Ninh Hải... và hoạt động sân golf Nara Bình Tiên,... được du khách quốc tế chọn là điểm đến ưa thích, giới truyền thông và các hãng lữ hành trong nước đánh giá cao.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo đã trở thành thương hiệu nổi tiếng (tour tham quan làng nho Thái An, huyện Ninh Hải; các trang trại táo, nho, huyện Ninh Phước; vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; cánh đồng cừu, huyện Ninh Hải, Bác Ái; mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm, huyện Ninh Phước; mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Phước Bình gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Ra Glai, huyện Bác Ái...) đã đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở một số làng quê và trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế.
Để thu hút du khách với các sản phẩm du lịch mang tính chủ đạo và mới lạ, giai đoạn 2022-2025 Ninh Thuận sẽ phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính: Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù đó là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ là du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát-muối (hai sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.
Các sản phẩm làm từ nho được bán ngay tại vườn để phục vụ du khách. Ảnh: NT. |
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh. Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.
Trong năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chú trọng, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như: Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Công tác đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; Công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư và du lịch; Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịc; Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Công tác xây dựng môi trường du lịch thân thiện và hấp dẫn; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; Đẩy mạnh việc liên kết hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch: tập trung công tác tham mưu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và Tờ trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2040; Quyết định các Đồ án Quy hoạch phân khu Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040,…; tham mưu Quyết định lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030; triển khai Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo tuyến đường ven biển và các tuyến đường kết nối đến các dự án, khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án được thuận lợi. Hoàn thành, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến, kêu gọi đầu tư khi đảm bảo điều kiện. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Dự án khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tổ chức khảo sát, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch; phát triển hệ thống dịch vụ du lịch như đẩy mạnh khai thác các giá trị tài nguyên phát triển du lịch, trong đó tăng cường khai thác du lịch cộng đồng tại Bác Ái đưa vào hoạt động hiệu quả, tăng sự trải nghiệm cho khách du lịch, liên kết kết nối các điểm, tour du lịch mới trong tỉnh, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm phát huy hết sự đa dạng cũng như thế mạnh về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp sự đa dạng giữa du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn,... của địa phương có sự lồng ghép ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho công tác phát triển du lịch.
Nguồn:Ninh Thuận đa dạng các sản phẩm thu hút khách du lịch