Ninh Thuận nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững
Ninh Thuận phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển Ninh Thuận đề xuất gần 300 tỷ đồng làm hạ tầng vùng quy hoạch điện hạt nhân |
Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với trên 173.765 người, chiếm 23,71% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai. Toàn tỉnh hiện có 28 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đã bố trí trong 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh là trên 612 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 302 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, tổng vốn đã bố trí cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 167,29 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án thành phần; tổng vốn đã bố trí cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là 404,47 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án thành phần. Đến cuối năm 2022, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 32,4 triệu đồng, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% mục tiêu đến năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 17,73%, giảm 4,73% so với năm 2021, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là giảm 3%/năm.
Để giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng mía, trồng cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, phát triển đàn gia súc, nuôi heo đen đặc sản, mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm tại huyện Ninh Phước; mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất…
Huyện miền núi Bác Ái đang triển khai nhiều mô hình sinh kế, giúp người dân ổn định sinh kế. Ảnh: NT. |
Huyện miền núi Bác Ái là một trong những huyện nghèo của Ninh Thuận, với 9 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Để giảm nghèo bền vững, Bác Ái đang đẩy mạnh việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn và đồng bào dân tộc, cũng như phát triển các mô hình HTX để vừa đào tạo các nghề truyền thống vừa tạo sinh kế cho lao động địa phương.
Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà huyện này cần làm là khai thác lợi thế cây bản địa và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế. Trong đó, chuối hột mồ côi là cây trồng bản địa ở xã vùng cao Phước Bình (huyện Bác Ái). Đây là giống chuối quý với nhiều công dụng chữa bệnh Cây chủ yếu mọc tự nhiên trên núi cao và một phần được người dân đưa vào trồng trên các sườn rẫy với diện tích khoảng 20 ha. Hiện nay Phước Bình đang đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết trồng chuối hột mồ côi theo chuỗi giá trị với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao cho các hộ dân, tổ hợp tác, HTX các kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến chuối hột mồ côi ở dạng quả tươi, quả ép khô, hạt khô, rượu chuối hột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ việc khai thác thế mạnh của cây chuối bản địa như vậy của tổ hợp tác và HTX đã góp phần tích cực vào giảm nghèo, vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân xã Phước Bình - vốn từng là xã nghèo, cách đây 10 năm có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 45%. Không chỉ với cây chuối, xã này đã phát triển đa dạng cây trồng từ cây bản địa như mì, lúa, bắp, đậu…Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh qua từng năm, từ cách đây 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 4,46%.
Thời gian qua, mô hình liên kết chuỗi măng tây xanh với vai trò chủ lực của HTX ở hai xã An Hải và Phước Hải thuộc huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó vừa góp phần vào xây dựng nông thôn mới, vừa giúp thoát nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân nơi đây, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm ở địa phương. Xã An Hải (huyện Ninh Phước) hiện là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Theo người dân địa phương, với 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày cho thu hoạch từ 8 – 12 kg/sào.
Mô hình liên kết chuỗi măng tây xanh với vai trò chủ lực của HTX trên địa bàn huyện Ninh Phước phát huy hiệu quả trong ổn định đời sống, giảm nghèo. |
Sản phẩm sau thu hoạch được HTX thu mua với giá thị trường. Với sản lượng thu hoạch đều đặn, mỗi tháng sau khi trừ chi phí đầu tư các hộ dân có lãi từ 15 – 20 triệu đồng từ bán măng tây xanh. Ninh Phước hiện có 11.157 hộ đồng bào Chăm với 51.000 nhân khẩu sinh sống tập trung tại 22 thôn, khu phố. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đưa đời sống kinh tế, văn hóa vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc. Tính đến cuối năm 2022, nông dân huyện Ninh Phước có thu nhập bình quân đầu người đạt 64,45 triệu đồng, vượt 0,32 triệu đồng so với kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo hiện còn 3,48%, giảm 2,03% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh trợ lực từ nguồn vốn chính sách thông qua các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS ở Ninh Thuận được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện thắp sáng, tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 95%.
Với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân. Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo, tỉnh quyết liệt thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, nội dung chính sách của hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ các nguồn vốn được phân bổ, Ninh Thuận triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp với từng địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế.
Nguồn:Ninh Thuận nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững