Nỗ lực bảo tồn, ứng phó nguy cơ suy giảm cá thể voi
Bảo tồn voi góp phần phát huy sự hài hòa trong môi trường sống giữa con người và loài voi, đồng thời tạo ra sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trước đó vào năm 1994, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ban hành thì đến năm 1996 đã có kế hoạch bảo tồn voi. Trong những giai đoạn tiếp theo, ngành chức năng, các tổ chức quốc tế và các địa phương trong đó có Đắk Lắk đều có các chương trình, kế hoạch bảo vệ voi, giúp số lượng voi có xu hướng tăng lên
Mặc dù vậy, hiện nay số lượng đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng suy giảm. Việc khai thác voi làm du lịch đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của voi. Nếu như năm 2014, trên địa bàn tỉnh còn 53 cá thể voi thì đến nay chỉ còn 35 cá thể, trong đó huyện Buôn Đôn có số lượng nhiều nhất là 22 cá thể, huyện Lắk có 12 cá thể và huyện Krông Ana có 1 cá thể. Trước thực trạng trên, nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2021, UBND tỉnh ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi.
Cụ thể hóa bản ghi nhớ này, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Dự án do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ, với tổng số tiền hơn 55,4 tỷ đồng và thực hiện trong 4 năm (2022 - 2026). Lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn chia sẻ, nhận thức được việc cưỡi voi không còn phù hợp với xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay, thời gian qua, UBND huyện Buôn Đôn đã phối hợp với các đơn vị có liên quan dần thay thế cưỡi voi bằng mô hình du lịch thân thiện với voi, chuyển đổi mô hình du lịch voi bền vững. Cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, các đơn vị hoạt động du lịch cũng chấm dứt hoàn toàn dịch vụ du lịch cưỡi voi.
![]() |
Các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn Đắk Lắk chuyển sang mô hình “du lịch thân thiện” với voi. |
Thay vào đó là những sản phẩm du lịch mới đậm nét văn hóa truyền thống, hướng đến mô hình du lịch thân thiện với voi. Sự thay đổi này nhằm bảo đảm sức khỏe và phúc lợi cho voi. Hằng ngày, voi được chăm sóc sức khỏe và được xử lý kịp thời khi có những tác động bên ngoài hoặc bị thương từ những xung đột giữa voi rừng với voi nhà. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của voi cũng đầy đủ dinh dưỡng hơn. Các chương trình huấn luyện và chăm sóc voi đã chuyển từ các hình thức có tính chất bạo lực sang những hình thức thân thiện hơn.
Đặc biệt, để tạo sự kết nối gần gũi giữa du khách và voi, Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn đã triển khai mô hình "Tôi cười với voi, tôi ngừng cưỡi voi". Sự thay đổi này không chỉ giúp giảm căng thẳng cho voi mà còn mang lại những trải nghiệm chân thực, nhân văn hơn cho du khách... Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, song mô hình “Du lịch thân thiện với voi” trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, phần lớn voi nhà tại Đắk Lắk do các hộ gia đình là người địa phương sở hữu, nguồn thu nhập chính của họ là từ voi. Đáng nói, số lượng cá thể voi còn lại trên địa bàn tỉnh phần lớn đều lớn tuổi, có đến 27/35 cá thể đã trên 40 tuổi, không sinh sản thành công, nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Khu chăn thả, vùng thức ăn của voi ngày càng thu hẹp, dẫn đến khả năng xung đột về chỗ ở của voi. Mặt khác, hiện nay chưa có quy định chính thức về việc dừng cưỡi voi. Mô hình “Du lịch thân thiện với voi” mới được áp dụng ở huyện Buôn Đôn chứ chưa khởi động ở huyện Lắk. Chưa kể, một bộ phận du khách hiện vẫn mong muốn được cưỡi voi. Vì vậy việc dừng cưỡi voi ở huyện Buôn Đôn làm cho lượng du khách đổ sang huyện Lắk, gây áp lực về vấn đề phúc lợi cho voi ở huyện Lắk.
![]() |
Đắk Lắk nỗ lực bảo tồn voi nhà và voi tự nhiên. |
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Yok Don chưa thể tiếp nhận tất cả các cá thể voi ở nơi khác và huyện Lắk. Đây là những thách thức trong bảo tồn đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nếu không sớm chuyển đổi hình thức du lịch cưỡi voi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tập tính và phúc lợi của voi. Theo cố vấn kỹ thuật Tổ chức Động vật châu Á, với mô hình “Du lịch thân thiện với voi”, voi được sống gần với bản năng tự nhiên hơn, ăn uống theo sở thích, sức khỏe tốt và tuổi thọ được kéo dài hơn.
Giải pháp để phát triển mô hình này là cần nắm bắt nhu cầu du khách và cải thiện chất lượng tour, nắm bắt nhóm khách tiềm năng, quảng bá trên đa nền tảng. Mặt khác, các nhân sự liên quan cũng phải học cách tiếp cận mới khi thay đổi mô hình. Trong khi đó, Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho rằng, để phát triển mô hình “Du lịch thân thiện với voi”, tỉnh cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư vào các hoạt động bảo tồn voi và phát triển mô hình bền vững; hỗ trợ ngân sách cho các cơ sở và hộ du lịch có voi dùng để triển khai mô hình.
Nếu có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cộng với nguồn lực của các tổ chức, cũng như của doanh nghiệp và người dân thì mới có thể bảo tồn quần thể voi.
Để bảo tồn loài voi, Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 đã đặt rõ mục tiêu định hướng và hướng dẫn thực hiện các hành động ưu tiên đến năm 2035 thông qua các chiến lược về duy trì và phát triển quần thể, cá thể voi, đảm bảo bền vững, cải thiện môi trường sống, quản lý xung đột voi - người và nâng cao năng lực cho các bên liên quan để bảo tồn voi hoang dã. Bên cạnh đó, tăng cường phúc lợi và thúc đẩy gây nuôi sinh sản hướng tới phát triển bền vững cho voi nuôi nhốt.
Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn Voi đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, thể hiện cam kết của Việt Nam về một chiến lược thống nhất, tôn trọng văn hóa, đảm bảo tương lai cho loài voi quý giá này. Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự chung tay của các bên liên quan, bao gồm cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế, để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch chiến lược đầy ý nghĩa này trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học, sinh thái rừng. Sự chung sống hài hòa không chỉ là phương thức, mà còn là đích đến trong hành trình bảo tồn loài voi tại Việt Nam. Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn voi đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, thể hiện cam kết của Việt Nam về một chiến lược thống nhất, tôn trọng văn hóa, bảo đảm tương lai cho loài voi…/.
Nguồn: Nỗ lực bảo tồn, ứng phó nguy cơ suy giảm cá thể voi
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Thị trường chứng khoán ngày 31/3: Phiên cuối tháng 3 chìm trong sắc đỏ, thanh khoản tăng trở lại

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 1/4/2025: Tuổi Ngọ gặp vất vả, tuổi Tý thuận lợi

Lâm Đồng: Nhiều thách thức trong quản lý, khai thác tài nguyên nước

Động đất tại Myanmar: 1.700 người thiệt mạng, WHO kêu gọi viện trợ khẩn cấp

Ngôi sao Việt kiều đắt giá sắp được dự World Cup 2026 là ai?
