Nợ xấu vượt 3%, Vietbank (VBB) mạnh tay tham gia cuộc chơi trái phiếu để huy động vốn
Lãi sụt giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín - Vietbank (mã ck: VBB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 439,7 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu của ngân hàng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 23,7 tỷ đồng, giảm 6,2%. Lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng đạt gần 78 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ.
Một số hoạt động kinh doanh sụt giảm, chi phí hoạt động trong kỳ của VBB lại gia tăng thêm 15%, chiếm 367,2 tỷ đồng, gây áp lực lớn lên doanh thu của ngân hàng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh do đó giảm tới 40,6% so với cùng kỳ, chỉ còn 219 tỷ đồng.
Trừ đi khoản chi phí dự phòng rủi ro 47,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của VBB chỉ còn 136,8 tỷ đồng, giảm 38% so với quý 2/2022. So với lợi nhuận đạt được trong quý 1 ngay trước đó, lợi nhuận của VBB giảm 13,2%.
Tại thời điểm kết thúc quý 2/2023, tổng tài sản của VBB đạt 116.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,9%. Trong đó ngân hàng đang cho khách hàng vay gần 69.000 tỷ đồng. Lượng tiền gửi của khách hàng đạt gần 81.000 tỷ đồng, tăng 6,4%.
Bên cạnh vấn đề lợi nhuận tăng trưởng âm trong quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu tăng cao vượt trần cũng là vấn đề nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của Vietbank.
Tỷ lệ nợ xấu vượt trần
Kết thúc quý 2, báo cáo phân loại nhóm dư nợ của VBB ghi nhận nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) chiếm 64.027,6 tỷ đồng; nợ cần chú ý (nhóm 2) chiếm 1.856,3 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) chiếm 443,2 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) chiếm 330,8 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm 1.874,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, quy mô nợ xấu (nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn) của VBB đang chiếm tỷ trọng rất cao, vượt qua cả quy mô nợ nhóm 3 và nhóm 4.
Tổng nợ xấu, gồm dư nợ thuộc nhóm 3, 4, 5, ở mức 2.648 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng trên tổng dư nợ cho vay đã tăng từ 3,65% lên 3,86%, vượt qua ngưỡng 3% - ngưỡng theo dõi của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của VBB chỉ ghi nhận 726 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm cuối năm 2022. Nếu so với quy mô nợ xấu đến cuối quý II, con số này chỉ tương đương tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VBB là 27,4%, ở mức rất thấp so với quy mô bao phủ nợ xấu bình quân của hệ thống ngân hàng hiện nay, đặc biệt với nhiều nhà băng có tỷ lệ bao phủ trên 100%.
Huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Một vấn đề khác trong hoạt động của VietBank là sự lệch pha giữa huy động và cho vay. So với thời điểm cuối năm 2020, dư nợ cho vay của ngân hàng này đã tăng hơn 50%, từ 43.300 tỷ lên hơn 67.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, huy động vốn của VietBank ở mức khiêm tốn hơn rất nhiều khi chỉ tăng 25%, từ 64.500 tỷ lên hơn 80.000 tỷ đồng.
Sự lệch pha này khiến Vietbank trở thành “tay chơi” tích cực trên thị trường trái phiếu để cân đối lại cơ cấu vốn.
Cụ thể thì từ giữa năm 2021 đến tháng 2/2022, Vietbank rất ‘tích cực’ huy động vay trái phiếu. Theo thông tin niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thì VBB đang sở hữu 9 lô trái phiếu. Phần lớn trong đó được phát hành vào nửa cuối năm 2021.
Tổng lượng phát hành của 9 lô trái phiếu này là 1.842,2 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 7 lô trái phiếu phát hành cuối năm 2021 đã lên tới 1.442 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2022, Vietbank tiếp tục được UBCKNN chấp thuận chào bán ra công chúng 300.000 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu ra công chúng. Tổng giá trị phát hành là 3.000 tỷ đồng và được chia ra làm 3 lần chào bán. Số tiền thu về được Vietbank sử dụng để tăng quy mô vốn cấp 2 của ngân hàng, tăng nguồn vốn trung và dài hạn.
Tại ngày 6/7/2023, Vietbank đã báo cáo kết quả của đợt chào bán trái phiếu này như sau: Tổng lượng chào bán trái phiếu trong đợt 2 là 190.000 trái phiếu, bao gồm số lượng trái phiếu đợt 1 chưa được phân phối hết chuyển qua đợt 2 là 90.000 trái phiếu.
Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất thả nổi được quy định như sau: Lãi suất năm đầu bằng lãi suất tham chiếu + 2,5%; lãi suất năm cuối bằng lãi suất tham chiếu + 3,5%. Trong đó lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất đối với mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng top đầu Việt Nam.
Nguồn: Nợ xấu vượt 3%, Vietbank (VBB) mạnh tay tham gia cuộc chơi trái phiếu để huy động vốn