“Nông nghiệp xanh” – Giải pháp hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu
Nhiều thách thức trong phát triển ‘nông nghiệp xanh’ Nông nghiệp xanh trên miền đất đỏ |
Xu thế phát triển nông nghiệp xanh
Dân số ngày càng đông, đất đai lại không thể sinh sôi nảy nở. Trước đây, bằng mọi giá chúng ta tạo ra sản lượng nhiều nhất để phục vụ nhu cầu của con người. Khi nhắm tới sản lượng vô tình lại tác động vào môi trường, tài nguyên đất, lạm dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật… Hậu quả, môi trường đất, nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Với nông nghiệp xanh, thế giới hướng tới phục hồi lại hệ sinh thái tự nhiên. Mục tiêu, không chỉ cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho con người mà còn để lại cho con cháu đời sau có thể canh tác tiếp trên những mảnh đất màu mỡ đó.
Nâng cao chất lượng, giảm phát thải từ mô hình rau hữu cơ. Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, nông nghiệp xanh hay nói rộng hơn là kinh tế xanh đòi hỏi cả thế giới đều phải thay đổi về nhận thức. Bởi, sản xuất theo phương thức cũ khiến nền nông nghiệp tạo ra khí carbon, hiệu ứng nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động ngược lại nền nông nghiệp. Hiệu ứng hai chiều này chỉ có nền nông nghiệp xanh mới hóa giải được. Bởi, nông nghiệp xanh hướng đến những gì thân thiện nhất với môi trường, không gây tác động tới tài nguyên thiên nhiên, không gây ra hiệu ứng nhà kính. Hiện có nhiều người phát kiến ra những mô hình nông nghiệp xanh. Người nông dân đã và đang thích ứng được với những mô hình nông nghiệp để thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh
Tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo Kế hoạch này, phát triển nông nghiệp sẽ chuyển đổi theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon vào năm 2050. Kế hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5 – 3%/năm. Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Cùng với chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 – 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Làm gì để đạt mục tiêu trên?
Để đạt mục tiêu trên, lĩnh vực trồng trọt sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất canh tác và phát thải khí nhà kính.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu. |
Ngành sẽ chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo…
Đối với thủy sản, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Ngành sẽ điều chỉnh cường độ và cơ cấu khai thác hải sản đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với lâm nghiệp, ngành sẽ phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung; phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa. Mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững; phát huy tối đa dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu; khai thác các tiềm năng, các dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon.
Trong chế biến nông, lâm, thủy sản sẽ xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, gắn hoạt động kinh tế với dịch vụ du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ. Hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đổi mới công nghệ, trang thiết bị để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm ô nhiễm trong sản xuất ở các làng nghề và các cơ sở ngành nghề ở nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Ngành thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại… Phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh, carbon thấp cho các ngành hàng nông sản chủ lực, gắn với việc dán nhãn cho nông sản, sản phẩm OCOP xanh.
Về mặt cơ chế chính sách, sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái; chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, sẽ chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là giảm metan trong trồng trọt và chăn nuôi, chuỗi nông sản, không gây mất rừng và làm cạn kiệt tài nguyên rừng./.
Nguồn:“Nông nghiệp xanh” – Giải pháp hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu