Petrovietnam trên hành trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số (digital transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Chuyển đổi số tăng cường khả năng thích ứng, tập trung nhiều hơn vào việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu, tri thức hữu ích cho tất cả các cấp ra quyết định dựa trên dữ liệu, giúp doanh nghiệp trở nên thông minh, sáng tạo, thích nghi nhanh chóng và hiệu quả với các thay đổi.
Là tập đoàn công nghiệp năng lượng lớn nhất của đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển thành doanh nghiệp nòng cốt có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế. Song hành với trọng trách bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, nhiệm vụ chuyển đổi số tại Petrovietnam một mặt để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, mặt khác là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế số. Petrovietnam có nhiệm vụ đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số để vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Ngành dầu khí vừa thuộc lĩnh vực năng lượng, vừa thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, là các lĩnh vực tiềm năng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thông qua chuyển đổi số, áp dụng các nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số với khối lượng dữ liệu thu thập, xử lý, khai thác ngày lớn, các doanh nghiệp dầu khí sẽ có cơ hội để vượt qua thách thức hiện tại.
Chuyển đổi số trong ngành Dầu khí của Việt Nam sẽ được triển khai như thế nào và những thách thức phải đối mặt?
Các doanh nghiệp dầu khí hoạt động ở Việt Nam đã sử dụng công nghệ số từ khá lâu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số hay áp dụng các công nghệ số còn rời rạc, thiếu tính liên kết, ít được phổ cập, trao đổi kinh nghiệm. Cơ sở dữ liệu của các chuyên ngành nhỏ (địa chấn, địa vật lý giếng khoan, địa tầng, cổ sinh, thạch học…) được xây dựng ở các đơn vị, viện nghiên cứu nhưng còn mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ, phục vụ cho từng lĩnh vực hẹp, chưa có quy chuẩn thống nhất, khó tích hợp. Gần đây, chuyển đổi số bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, AI) đã được sử dụng trong phân tích thuộc tính địa chấn, minh giải tài liệu địa chấn (xác định hệ thống đứt gãy, mức độ nứt nẻ trong móng…), phân tích tài liệu địa vật lý giếng khoan (xác định tính chất của đá chứa, bề dày, độ rỗng, độ bão hòa dầu khí…, đặc biệt là đá chứa trong móng) để đánh giá tiềm năng dầu khí. Các công nghệ số tuy đã được sử dụng trong thiết kế, thi công và điều hành khoan, hoàn thiện giếng, quản lý khai thác mỏ nhưng mức độ áp dụng và tính đồng bộ còn ở mức thấp.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính tổng quan về hoạt động dầu khí tại Việt Nam
Petrovietnam đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong tập đoàn, là giải pháp cấp thiết cho ngành dầu khí trong xu thế chuyển dịch năng lượng, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác mỏ dầu khí, tăng khả năng cạnh tranh của dầu khí với các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, là công cụ để thực hiện dịch chuyển mô hình, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Sự phát triển của các công nghệ trong ngành dầu khí từ trước đến nay cho thấy dầu khí nói chung và thăm dò khai thác dầu khí nói riêng là ngành công nghiệp sử dụng các công nghệ tiên tiến. Ngành dầu khí đi tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến trong thu thập, xử lý, minh giải tài liệu địa chấn, tài liệu giếng khoan trong lòng đất, vì vậy không còn xa lạ với dữ liệu lớn (big data), đổi mới công nghệ và kỹ thuật số. So với các lĩnh vực khác, cách tiếp cận chuyển đổi số của ngành dầu khí mang tính tiến hóa hơn là mang tính cách mạng.
Sự phát triển công nghệ như điện toán đám mây, truyền thông xã hội, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn đang thúc đẩy các xu hướng mang lại tiềm năng to lớn cho ngành dầu khí. Chi phí cảm biến giảm và sự xuất hiện của internet vạn vật công nghiệp (industrial internet of things - IIoT) sẽ làm tăng đáng kể khối lượng dữ liệu mà các doanh nghiệp dầu khí có thể truy cập, xử lý. Kết hợp các công nghệ này theo cách sáng tạo có thể làm tăng khả năng theo cấp số nhân, vượt xa hiệu quả so với nếu chỉ triển khai riêng biệt.
Mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi số trong thăm dò khai thác dầu khí là nâng cao hiệu quả công tác địa chất - địa vật lý, công nghệ mỏ, gia tăng hệ số thành công của công tác khoan thăm dò thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo/học máy, phân tích dữ liệu lớn, sử dụng siêu máy tính và các nền tảng đám mây trong phân tích tổng hợp dữ liệu địa chất - địa vật lý, khoan và lập mô hình mỏ dầu khí...; quản lý danh mục đầu tư thăm dò khai thác dầu khí hiệu quả trong tất cả các khâu từ đánh giá cơ hội, lập dự án đầu tư, điều hành, quản lý, giám sát các dự án đầu tư.
Theo đánh giá chung của các nhà khoa học trên thế giới, hiệu quả của chuyển đổi số đến ngành công nghiệp dầu khí được thể hiện ở những lĩnh vực điển hình như:
Chuyển đổi số giúp cắt giảm triệt để chi phí tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác mỏ dầu khí, tăng khả năng cạnh tranh của dầu khí với các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí có rủi ro cao, xác suất thành công của công tác thăm dò (khoan thăm dò gặp dầu khí) chỉ khoảng trên dưới 20%, có nghĩa là rủi ro tới 80%. Chuyển đổi số giúp giảm thiểu tỷ lệ rủi ro thông qua việc phân tích tổng hợp các loại dữ liệu hiện có nhờ sử dụng các công nghệ xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn sẽ tác động lớn đến năng suất và công tác quản trị điều hành của doanh nghiệp.
Phân tích dữ liệu địa chấn, địa vật lý giếng khoan và các tài liệu địa chất, xác định tính chất và mô phỏng tầng chứa, giảm thời gian khoan và tăng độ an toàn khi khoan, tối ưu hóa khai thác, cải thiện an toàn lao động là ứng dụng quan trọng của dữ liệu lớn trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.
Quá trình chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí với nền tảng là xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, sử dụng các công nghệ số tiên tiến để phân tích, tổng hợp toàn bộ các số liệu với mục tiêu giảm chi phí, tăng hiệu quả công tác thăm dò khai thác dầu khí. Chuyển đổi số có thể giúp theo dõi, quản lý toàn bộ vòng đời và quá trình vận hành dự án bằng kỹ thuật số; thu thập và phân tích dữ liệu ở từng bước; rút ra bài học cho các thiết kế và dự án khác.
Nền tảng kỹ thuật số cho phép các doanh nghiệp dầu khí kết nối tốt hơn với nhà cung cấp vật tư, trang thiết bị, khách hàng và xã hội. Các công nghệ số như kỹ thuật tính toán tiên tiến dùng trong mô hình mỏ, thu thập và xử lý hình ảnh địa chấn 3D… giúp tăng hiệu quả thăm dò khai thác ở các khu vực, đối tượng có đặc điểm địa chất phức tạp, khu vực nước sâu...
Công nghiệp dầu khí đang thực hiện một số thuật toán mới dựa trên các phương pháp thống kê tiên tiến và thuật toán tối ưu hóa với khả năng mỗi thuật toán đang trở thành điểm khác biệt chính, giúp làm rõ các điểm không chắc chắn và tăng tốc độ xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ. Cùng với sự tích hợp lớn hơn các nguồn tài liệu địa chấn và tài liệu tầng chứa khác nhau, những tiến bộ này có thể cải thiện đáng kể quá trình ra quyết định cho công tác khoan thăm dò, mô hình hóa tầng chứa và phát triển mỏ. Trong lĩnh vực phát triển mỏ, công tác khoan đã được tích cực số hóa với mục tiêu chính: giảm số ngày khoan, giảm chi phí, cải thiện an toàn.
Áp dụng mạnh mẽ công nghệ số trong thiết kế, cải tiến quy trình sản xuất, giám sát và bảo dưỡng hệ thống thiết bị sẽ giúp cải tiến hoạt động sản xuất và nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp dầu khí. Các giải pháp quản trị và vận hành số hóa gia tăng hiệu quả từ 30 - 40% đến 100% cho doanh nghiệp áp dụng.
Ngoài chuỗi cung ứng, các công nghệ kỹ thuật số đang tập trung đảm bảo an toàn cho người lao động như: sử dụng máy dò khí cá nhân để theo dõi vị trí, mối nguy hiểm và sức khỏe của nhân viên từ xa, giúp giảm từ 10 - 15% các sự cố được báo cáo; chuẩn hóa công việc thường xuyên của người lao động thông qua các ứng dụng kỹ thuật số, kết nối với các chuyên gia từ xa và gia tăng năng suất lao động. Các công cụ kỹ thuật số không chỉ giúp rút ngắn thời gian phản ứng, khắc phục sự cố mà còn lập kế hoạch và ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của thị trường.
Được biết, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tập đoàn và các đơn vị thành viên, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 184 ngày 15/2/2022 về "Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030".
Petrovietnam hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, do đó, từ năm 2020 - 2022 ban lãnh đạo tập đoàn đã thống nhất, cụ thể hóa thành các nghị quyết, quyết định, văn bản liên quan đến chuyển đổi số được ban hành trong nội bộ.
Năm 2020, Petrovietnam xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho công ty mẹ - tập đoàn, để hướng tới các mục tiêu gồm tối ưu hoạt động bộ máy quản trị và vận hành; tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trên toàn chuỗi giá trị năng lượng; đón đầu xu hướng dịch chuyển năng lượng trong khu vực và trên thế giới; ứng biến linh hoạt với những thay đổi của thị trường…
Petrovietnam đã ban hành lộ trình chuyển đổi số cho công ty mẹ - tập đoàn gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình trong giai đoạn 2022-2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, tăng cường năng lực đội ngũ triển khai chuyển đổi số.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo "Chuyển đổi số - nền tảng cho phát triển bền vững”
Trong năm 2023, Petrovietnam đã và đang triển khai đào tạo rộng khắp trong toàn tập đoàn về chuyển đổi số. Hình thức tổ chức bao gồm: tiếp tục tổ chức một số chương trình đào tạo về chuyển đổi số nâng cao cho lãnh đạo quản lý cấp cao, trung Petrovietnam và lãnh đạo các tổng công ty trực thuộc Petrovietnam; giao các đơn vị chủ động tổ chức các chương trình đào về chuyển đổi số để thường xuyên cập nhật các kiến thức.
Để chuyển đổi số của Petrovietnam theo kịp với các xu thế công nghệ, giải pháp mới, Petrovietnam đã tăng cường hoạt động hợp tác với các đối tác có tên tuổi trên thị trường cả trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm về chuyển đổi số như ký thỏa thuận hợp tác với Viettel, Microsoft…; tổ chức học tập, trao đổi nghiệp vụ về chuyển đổi số với một số cơ quan quản lý Nhà nước…
Petrovietnam cũng đã triển khai các ứng dụng công nghệ trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh mạng. Nhận thức chuyển đổi số sẽ không thể thành công nếu thiếu một chiến lược bảo mật phù hợp, Petrovietnam và các đơn vị thành viên tập trung một số giải pháp để tăng cường khả năng bảo vệ thông tin trên môi trường mạng. Tập đoàn cũng định kỳ tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để cập nhật những bài học kinh nghiệm, thủ đoạn mới nhằm tăng cường kỹ năng nhận diện âm mưu gây mất an ninh mạng và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời. Đồng thời, tập đoàn thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn, uy tín nhằm phát huy thế mạnh của nhau, để hỗ trợ đẩy nhanh, thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số của tập đoàn.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, việc đầu tiên là thay đổi về nhận thức, đây được xem là vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, không thể không làm và không ai có thể đứng ngoài cuộc, việc đầu tiên cần làm là lãnh đạo Petrovietnam đến lãnh đạo các đơn vị thành viên đều phải hiểu rõ, nhận thức rõ vai trò, bản chất của chuyển đổi số.
Có thể thấy, Petrovietnam đang đi từng bước chắc chắn để hoàn chỉnh việc nghiên cứu, đánh giá, xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi số trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, lộ trình, bước đi phù hợp; xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về thăm dò khai thác dầu khí - nền tảng của quá trình chuyển đổi số - để sử dụng các công nghệ số tiên tiến phân tích, tổng hợp toàn bộ các số liệu với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác thăm dò khai thác dầu khí. Đồng thời, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực am hiểu các kỹ thuật - công nghệ số mới; xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, xem đổi mới sáng tạo là nền tảng của sự phát triển bền vững.
Nguồn: Petrovietnam trên hành trình chuyển đổi số