Pháp quyết định quốc hữu hóa hoàn toàn EDF
Hiện chưa biết nhà chức trách Pháp sẽ mua cổ đông thiểu số trên thị trường hay nắm quyền kiểm soát theo luật. Trên thực tế, dù được quốc hữu hóa, điều này không đảm bảo giải quyết được "núi nợ" của EDF, cũng như không giúp người tiêu dùng giảm chi phí năng lượng cao ngất ngưởng.
Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết, việc quốc hữu hóa hoàn toàn EDF, trong đó nhà nước nắm 84% cổ phần, sẽ giúp Pháp quản lý quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu chính của chính phủ Pháp có thể là đảm bảo tự do điều hành một doanh nghiệp chiếm khoảng 80% thị phần điện của Pháp.
EDF được niêm yết vào năm 2005 với giá 33 euro (34 USD)/cổ phiếu, nhằm mục đích mang lại sự minh bạch hơn cho tài chính và hoạt động của mình. Cổ phiếu của EDF hiện giao dịch ở mức khoảng 9 euro.
Được biết, nhà nước sẽ phải trả 5 tỷ euro để mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư thiểu số.
Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron, người vừa tái đắc cử vào tháng 4 nhưng mất quyền kiểm soát quốc hội trong cuộc bỏ phiếu tháng 6, đã hủy bỏ "cuộc đại tu" EDF vào năm ngoái trong bối cảnh các công đoàn và Ủy ban châu Âu phản đối kế hoạch tách mảng kinh doanh năng lượng tái tạo có lãi của EDF khỏi nợ nần.
Khoảng một nửa trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của EDF ở Pháp hiện đang không hoạt động, một phần do vấn đề ăn mòn. EDF đã nhiều lần cắt giảm sản lượng hạt nhân dự kiến cho năm 2022, trong khi châu Âu đang loay hoay tìm nguồn năng lượng thay thế khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga ngày càng cạn kiệt.
Nguồn: Pháp quyết định quốc hữu hóa hoàn toàn EDF