Phát động chiến dịch Zace to net zero – giảm phát thải nhà kính
Giảm phát thải khí nhà kính với hệ thống điện mặt trời trên mái nhà EC kêu gọi châu Âu giảm tới 95% lượng khí thải vào 2040 |
Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu tại buổi lễ phát động. |
Mới đây, tại TP. HCM Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã phối hợp cùng Hiệp hội Nhà sản xuất Sản phẩm thân thiện môi trường, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu tổ chức phát động chương trình “Race To Net Zero” và “Diễn đàn Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường cacbon”.
Tham dự chương trình có đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hiệp hội Nhà sản xuất Sản phẩm thân thiện môi trường, WWF-Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu và các cơ quan ban, ngành, địa phương. Đây cũng là chương trình thứ 4 trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và Doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, Việt Nam chung tay cùng thế giới hướng tới giảm phát ròng bằng 0.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu được công bố vào năm 2022, tổ chức này cảnh báo khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 và khi nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng lên 2 độ C thì các trận bão lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong các vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần. Báo cáo cũng chỉ ra, 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C thì con số này sẽ tăng lên 18% và tăng lên 29% nếu nhiệt độ tăng 2 độ C. Nếu nhiệt độ trái đất ấm lên khoảng 9 độ C thì 35% diện tích trái đất sẽ bị các đám cháy rừng gây thiệt hại.
Hội nghị COP 27 đã được tổ chức tại Ai Cập với sự tham gia của các phái đoàn đến từ 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Hội nghị COP 27 là một tiến trình kết nối COP 26 nhằm hiện thực hóa các cam kết của các nguyên thủ quốc gia, tăng cường hợp tác giữa các bên, cùng nhau thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng diễn ra rất phức tạp.
Biến đổi khí hậu trên toàn cầu diễn ngày một phức tạp, đòi hỏi sự chung tay của toàn thế giới để bảo vệ hành tinh xanh. |
Gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Ngay sau khi hội nghị kết thúc Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt các đề án và nhiều giải pháp triển khai kết quả của Hội nghị COP 26, phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể như: ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; chuẩn bị xây dựng hệ thống Đo đạc, báo cáo, thẩm định MRV khí thải nhà kính đa lĩnh vực; xây dựng khung chính sách để phát triển thị trường carbon… Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội chung thực hiện và hành động để đạt mục tiêu Net Zero.
Lễ phát động chiến dịch Race To Net Zero đã thu hút hàng trăm khách mời và các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: “Chương trình “Race To Net Zero” và “Diễn đàn Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường cacbon” sẽ cam kết những hiệu quả ứng dụng những mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cơ sở giảm phát thải đồng thời mở ra tiềm năng phát triển thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường cacbon.
Race To Net Zero là chiến dịch xuyên suốt đến năm 2050 về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Nó đòi hỏi không gì khác hơn là một sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển. Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳn hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải carbon.”
Thúc đẩy đổi mới công nghệ trong kinh doanh sản xuất, chìa khóa ứng phó với biến đổi khí hậu.
Race To Net Zero là một cuộc đua về giảm phát thải khí nhà kính của toàn xã hội. Chiến dịch xuyên suốt đến 2050 này bao gồm rất nhiều hoạt động đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong đó, chiến lược Race To Net Zero sẽ được phát triển và triển khai từ các hoạt động kỹ thuật tới những hoạt động truyền thông cộng đồng và hợp tác quốc tế chuyển giao năng lượng công bằng. Các hoạt động thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phát triển các giải pháp hỗ trợ cho hệ thống MRV về kiểm kê khí nhà kính quốc gia sẽ được phối hợp thực hiện.
Ngoài các yêu cầu thực hiện đối với những tổ chức, cơ sở phát thải lớn trên toàn quốc, Race To Net Zero cũng sẽ tập trung vào các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật kiểm kê, kiểm toán năng lượng, phát thải khí nhà kính cho các tổ chức, doanh nghiệp có phát thải chưa thuộc đối tượng bắt buộc của Chính phủ và các đơn vị niêm yết đại chúng (theo các quy định về công bố thông tin chứng khoán).
Công bố Đại sứ Chiến dịch Race To Net Zero. |
Đồng thời hỗ trợ, tư vấn và thực hiện các hoạt động phát triển thị carbon tại Việt Nam theo hướng hội nhập, chủ động, chất lượng và liên thông với các thị trường trên toàn thế giới. Để huy động sức mạnh cộng đồng chung tay hưởng ứng Chiến dịch, Race To Net Zero sẽ công bố Đại sứ Chiến dịch ý nghĩa, thiết thực và nhiều thách thức này. Những Đại sứ sẽ đóng vai trò là cầu nối và truyền tải những thông điệp lan tỏa tới cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện những hành động cụ thể, thực hiện lối sống xanh và song hành cùng các hoạt động tại Chiến dịch.
Trong thời gian tới, ban tổ chức sẽ xây dựng và triển khai những cuộc thi về sáng kiến ý tưởng, giải pháp giảm phát thải, mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, tìm kiếm và thúc đẩy các start-up triển khai các giải pháp đột phá về công nghệ thu hồi, lưu giữ carbon, công nghệ xanh (hydrogen, amoniac xanh…); triển khai các hoạt động trồng cây trung hòa carbon tại các khu vực đất trống, đồi trọc, hạn hán, xâm nhập mặn và tôn vinh những tổ chức, cá nhân xuất sắc trong Chiến dịch tại Giải thưởng thường kỳ Net Zero Việt Nam.
Nhiều sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường cũng được trưng bày và thu hút được nhiều sự quan tâm từ các vị khách mời. |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt ra lộ trình cụ thể cho thị trường cacbon. Cụ thể, trong giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường. Trong thị trường carbon, đây là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Khi tham gia thị trường các bên liên quan đều hài hòa được lợi ích. Thị trường tuân theo quy tắc “Thuận mua – vừa bán”. Nhà nước sẽ thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ các hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon…Trong khi đó, bên bán carbon cũng sẽ hưởng lợi do là những đơn vị thực hiện tốt các giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thị trường carbon đã hoạt động và nhiều công ty đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc sử dụng tín dụng carbon để cân bằng lượng khí thải carbon của mình. Đó là một cách để củng cố danh tiếng của doanh nghiệp với tư cách là một tổ chức quan tâm đến trách nhiệm xã hội- một doanh nghiệp gần đạt được “mức phát thải khí nhà kính bằng không hay trung hòa carbon”. Giải pháp này giúp các doanh nghiệp trở nên “xanh” hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của sang “Net Zero” bằng cách áp dụng các kỹ thuật để thu giữ CO2 từ khí quyển và giảm lượng khí thải được tạo ra thông qua các hoạt động nỗ lực của chính họ.
Nguồn:Phát động chiến dịch Zace to net zero – giảm phát thải nhà kính