Hà Nội: 24°C
Thừa Thiên Huế: 23°C
TP Hồ Chí Minh: 28°C
Quảng Ninh: 21°C
Hải Phòng: 23°C

Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền

Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đóng vai trò rất quan trọng trong đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Những tư liệu, bản đồ có tính xác thực lịch sử cụ thể và giá trị pháp lý cao đã thể hiện một cách minh định lịch sử khai phá, xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các thời kỳ. Do đó, phát huy giá trị Bộ bản đồ và tư liệu trong công tác thông tin, tuyền truyền là rất cần thiết, đặt trong bối cảnh công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trên mặt trận thông tin - truyền thông.
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: TTXVN

1. Tổng quan về Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là hệ thống các bản đồ, tư liệu, hình ảnh đặc sắc, có giá trị lịch sử và pháp lý cao, thể hiện chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm kiếm công phu, kỹ lưỡng; được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành và các nhà khoa học, các nhà sưu tầm trong và ngoài nước tiến hành sưu tầm, thẩm định các tư liệu, bản đồ của Việt Nam, nước ngoài để xây dựng Bộ bản đồ và tư liệu này. Nguồn tư liệu và bản đồ có sự đóng góp rất lớn từ các đơn vị như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa... cùng một số tổ chức, cá nhân khác.

Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” gồm các bản đồ, tư liệu, hình ảnh được sắp xếp thành các nhóm chính: Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ và bản đồ cổ Việt Nam; Bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc xuất bản (thế kỷ XVI - XX) xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc và cho đến trước năm 1975; Một số tư liệu, hình ảnh về biển, đảo và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Giá trị Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” thể hiện qua các nội dung chính sau:

Trước hết, Bộ bản đồ và tư liệu đã cho thấy, Nhà nước Việt Nam là chủ thể duy nhất đã khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ XVII bằng con đường hòa bình, liên tục và không có tranh chấp đến năm 1909. Điều này đã được thể hiện qua các nguồn sử liệu phong phú như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá soạn năm 1686; Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776; Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục chính biên (1844 - 1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Quốc triều chính biên toát yếu (1910)… Các tài liệu chính sử của Nhà nước Việt Nam như Đại Nam thực lục.

Đặc biệt, nội dung về các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được phản ánh đậm nét và cụ thể trong các Châu bản triều Nguyễn. Đây là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn, có dấu phê duyệt của Hoàng đế và ấn tín các cơ quan nhà nước nên mang tính pháp lý rất cao.

Thứ hai, Bộ bản đồ và tư liệu đã cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định và ghi nhận tại các hội nghị quốc tế quan trọng mà không có bất kỳ sự phản đối nào từ các quốc gia tham dự.

Tại hội nghị San Francisco (từ ngày 4 đến 8-9-1951, với sự tham dự của 51 quốc gia), Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính quyền Bảo Đại, ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố: “...để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn thuộc về Việt Nam”(1) mà không gặp bất cứ sự phản đối hoặc bảo lưu quốc tế nào.

Theo diễn tiến lịch sử, từ Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943 và Tuyên ngôn Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945 khẳng định lại nội dung Tuyên bố Cai-rô cho đến Hòa ước San Francisco (ký ngày 8-9-1951), các văn kiện pháp lý quốc tế nói trên đã không xác nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thứ ba, các tư liệu, bản đồ từ phương Tây đã mặc nhiên khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những thực thể địa lý thuộc lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, những bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc do phương Tây và chính Trung Quốc xuất bản đều xác nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tiêu biểu như bản đồ của anh em nhà Van Langren (người Hà Lan) vẽ năm 1595. Bản đồ vẽ khá chi tiết, hình vẽ Hoàng Sa rõ ràng và điển hình, ghi rõ I.de Pracel. Quần đảo Hoàng Sa cùng với dải bãi ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo S.polo (Cù Lao Chàm), Pulo Catam (Cù Lao Ré), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh)… ở ven bờ.

Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, do Giám mục người Pháp Jean Louis Taberd vẽ và nằm trong phụ bản của cuốn sách Dictionarium latino-anamiticum (Từ điển Latinh - An Nam), được xuất bản tại Calcutta (Ấn Độ) năm 1838 có ghi dòng chữ Latinh: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng” để chỉ quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Đặc biệt là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827(2). Tờ bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam. Điều này cho thấy sự thống nhất giữa bản đồ quốc tế và Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiều bản đồ Trung Quốc do phương Tây vẽ đều ghi nhận lãnh thổ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức cũng đều thể hiện nhất quán như vậy. Đáng chú ý là bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (do nhà Thanh xuất bản năm 1904), thể hiện lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam. “Tấm bản đồ hơn trăm năm này không chỉ mang đến những thông tin lịch sử giá trị mà tự thân nó nói lên một thông điệp rằng, từ năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, cực nam đất nước của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Đồng nghĩa, đây là một bằng chứng tư liệu do chính Trung Quốc xuất bản khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”(3).

Ngoài ra, Bộ bản đồ và tư liệu còn có các bản đồ Việt Nam từ thế kỷ XVI - XIX ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiêu biểu như Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838, có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán. Bản đồ vẽ hình thế tỉnh Quảng Ngãi trong tập Nam Việt bản đồ, biên soạn vào thế kỷ XIX. Chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi.

Các tư liệu của phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, trong đó có những trang văn bản miêu tả về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quá trình người Việt đến hai quần đảo này để khai thác hải sản, cắm mốc chủ quyền và thực thi chủ quyền. Tiêu biểu như sách Tableau de la Cochinchine do E. Cortambert và Léon de Rosny biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1862, viết về vương quốc Cochinchine. Trang 7 liệt kê Paracel trong bảng miêu tả về Cochinchine và ghi rõ: “đối diện với Huế là quần đảo Paracels tức là Kat-vang (Cát Vàng)”, khẳng định Paracels (tức quần đảo Hoàng Sa) chắc chắn thuộc về Việt Nam.

Về thời kỳ Pháp thuộc và cho đến trước năm 1975, Bộ bản đồ và tư liệu có các hình ảnh về quá trình chiếm giữ và thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương trong những năm 1936 - 1954. Đây là những tư liệu được Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao cung cấp và một số hình ảnh hiện đang được lưu trữ tại UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Tiêu biểu như Nghị định số 4702-CP ngày 21-12-1933 của Thống đốc Nam Kỳ M.J. Krautheimer ký (Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa). Hình ảnh tấm bia khẳng định chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1938. Trên bia có khắc dòng chữ: “République Francaise - Empire d’Annam - Archipels des Paracels 1816 - Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp - Đế chế An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938).

Thời kỳ Việt Nam Cộng hòa có các công văn, phiếu trình, văn bản hành chính liên quan đến công tác quản lý, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như cử quân đội bảo an người Việt ra đóng giữ ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa; công văn và tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về việc vi phạm của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cùng với đó, Bộ bản đồ và tư liệu còn có những tài liệu, hình ảnh, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Điều này đã khẳng định sự đoàn kết, quyết tâm, ý chí trước sau như một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Trong những năm qua, Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được giới thiệu, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên cả nước; đồng thời giới thiệu đến đông đảo bà con người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trong đó, “Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 63 tỉnh thành, phố trực thuộc Trung ương; 24 đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng kiểm ngư; 11 huyện, thành phố”(4).

Tính riêng trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 5 đại học, trường đại học trên toàn quốc”(5), thu hút sự tham gia tìm hiểu về biển, đảo đất nước ở giới trẻ, đặc biệt là sinh viên.

Để lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam gắn với biển, đảo đến bạn bè quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề “Việt Nam đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” tại nước ngoài (Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc và Liên bang Nga), trong đó có những tư liệu, bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó, để đổi mới, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền qua ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nội dung triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; từng bước nâng cấp công nghệ, chất lượng đồ họa, bổ sung tư liệu dựa trên cơ sở dữ liệu được số hóa nhằm thực hiện có hiệu quả việc thông tin, tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đến các đối tượng tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi, thông qua mạng internet, thiết bị di động thông minh.

Giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 61 cuộc triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “Tổ chức triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 28 trường trung học phổ thông trên địa bàn 10 tỉnh trên toàn quốc”(6).

Trên cơ sở dữ liệu của Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, trao tặng (là bản sao chụp và phần mềm số của Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”), nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ bản đồ và tư liệu đến đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn.

Đơn cử như tại Khánh Hòa, “Giai đoạn 2017 - 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển lãm lưu động và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Qua 7 đợt triển lãm (triển lãm kéo dài 3 ngày tại mỗi địa phương), đã đón tiếp 12.229 lượt người đến tham quan, tìm hiểu về triển lãm… Tổ chức 3 đợt triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 3 trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Nha Trang, thu hút 4.750 giáo viên và học sinh tham dự”(7).

Nguồn tư liệu quý từ Bộ bản đồ và tư liệu đã được sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học, xây dựng nội dung tuyên truyền về biển, đảo… góp phần không nhỏ nhằm lan tỏa giá trị Bộ bản đồ và tư liệu này đến mọi tầng lớp nhân dân những năm gần đây. Ngoài ra, những bản đồ, tư liệu quý này đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà báo, phóng viên… lựa chọn, sử dụng trong các bài viết, nghiên cứu cũng như đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là trên không gian mạng, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay.

Nhìn tổng thể, công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Một là, Bộ bản đồ và tư liệu là những minh chứng sống động, xác đáng, giúp cho đông đảo nhân dân có một cái nhìn đầy đủ, trung thực về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai là, Bộ bản đồ và tư liệu đã góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó khắc sâu ý thức về chủ quyền quốc gia trên biển đối với mỗi người dân Việt Nam; nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ba là, Bộ bản đồ và tư liệu đã giúp đồng bào ta ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế có cách nhìn khách quan, trung thực về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Điều này góp phần gắn kết bà con kiều bào với nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo quê hương cũng như tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với lập trường, ứng xử và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bốn là, những bằng chứng lịch sử và pháp lý mà Bộ bản đồ và tư liệu thể hiện là căn cứ vững chắc để Việt Nam đấu tranh bằng con đường ngoại giao, pháp lý, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời bác bỏ những yêu sách chủ quyền vô căn cứ từ phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền giá trị Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” cũng có một số nội dung cần quan tâm:

Thứ nhất, bản sao chụp Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trên cả nước. Tuy nhiên, phát huy giá trị Bộ bản đồ và tư liệu vào hoạt động triển lãm, thông tin, tuyên truyền chưa có sự đồng nhất, mà còn tùy thuộc vào cách thức tổ chức và sự quan tâm của mỗi tổ chức, đơn vị.

Thứ hai, Bộ bản đồ và Tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” hiện có là những bản đồ, tư liệu đã được thẩm định nghiêm túc, kỹ lưỡng. Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường và không gian mạng có rất nhiều tư liệu trôi nổi liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa chưa được kiểm chứng về giá trị và tính xác thực. Điều này ảnh hưởng không nhỏ về tính đồng nhất đối với những bản đồ, tư liệu thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, nội dung bộ bản đồ và tư liệu trong những năm qua thường được tập trung trưng bày, giới thiệu tại các địa phương, đơn vị, các trường học, trường đại học… còn tại các diễn đàn học thuật, hội thảo khoa học các cấp chưa được chú trọng thông tin, tuyên truyền; mặc dù đây là kênh có thể phổ biến, lan tỏa những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đến công chúng cũng như giới học thuật.

Thứ tư, hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là lập trường, quan điểm về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chưa được xây dựng thành một chủ đề riêng, trình bày đầy đủ và bao quát.

Thứ năm, công tác thông tin, tuyên truyền về giá trị Bộ bản đồ và tư liệu đối với đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế chưa được tổ chức nhiều để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông.

3. Một số giải pháp phát huy giá trị Bộ bản đồ và tư liệu trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay

Hiện nay, các nước trong và ngoài khu vực đều có chiến lược tuyên truyền về bảo vệ các chính sách của mình tại biển Đông, phản bác yêu sách của các nước khác, làm dư luận hiểu không đúng bản chất vấn đề Biển Đông. Thực tế này đặt ra những yêu cầu mới về công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo nói chung và phát huy giá trị Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” nói riêng, do đó cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền giá trị Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” một cách bài bản, chắc chắn ngay từ cấp cơ sở. Theo đó, tại mỗi đơn vị hành chính cấp xã, cần có một bản sao Bộ bản đồ và tư liệu, đồng thời bố trí không gian trưng bày phù hợp, tùy điều kiện mỗi địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền biển, đảo cho cán bộ cấp cơ sở phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thông tin sâu rộng về giá trị Bộ bản đồ và tư liệu đến đông đảo nhân dân.

Về lâu dài, đây là điều cần thiết để những tư liệu, bản đồ thể hiện chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được đông đảo nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, giúp mỗi người dân có được những kiến thức cơ bản về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, những tư liệu sinh động từ Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là điều kiện cần thiết để mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn giá trị thiêng liêng về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã được định hình xuyên suốt chiều dài lịch sử; từ đó bồi đắp ý chí, nuôi dưỡng quyết tâm đối với công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Hai là, kịp thời chuẩn hóa tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những năm qua, đặc biệt là khi Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 11-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm và khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức đã sưu tầm và hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam được ban hành, công tác sưu tầm, thẩm định các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được tiến hành nghiêm túc, cẩn trọng, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia nghiên cứu về biển, đảo.

Trên cơ sở những kết quả sưu tầm, thẩm định, cần chuẩn hóa các tư liệu, bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả về hình thức lẫn giá trị khoa học, pháp lý; đồng thời bổ sung vào Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” một cách đầy đủ, toàn diện.

Bên cạnh đó, nguồn tư liệu, bản đồ sau khi được chuẩn hóa cần được xây dựng thành cơ sở dữ liệu số một cách hệ thống và được cập nhật trên các trang thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, tra cứu tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách nhanh chóng, dễ dàng; tránh được việc viện dẫn, sử dụng tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trôi nổi trên không gian mạng, chưa được kiểm chứng hoặc chứa yếu tố phản ánh sai lệch chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Ba là, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ bản đồ và tư liệu một cách khoa học, có trọng tâm, trọng điểm. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc trưng bày, triển lãm Bộ bản đồ và tư liệu theo kế hoạch thường niên và các sự kiện quan trọng hằng năm của mỗi tổ chức, đơn vị; cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu Bộ bản đồ và tư liệu, đặc biệt là các tư liệu mới phát hiện, bổ sung… tại các diễn đàn học thuật. Đây là một kênh quan trọng giúp cho việc lan tỏa những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến giới nghiên cứu… từ đó thúc đẩy việc minh chứng, khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trên các diễn đàn, ấn phẩm khoa học.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm Bộ bản đồ và tư liệu tại nước ngoài nhiều hơn, hướng đến đối tượng là bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài. Trên cơ sở Bộ bản đồ và tư liệu hiện có, nên có sự lựa chọn những tư liệu, bản đồ, hình ảnh tiêu biểu của mỗi chủ đề; đồng thời biên dịch sang ngôn ngữ các nước có đông người Việt Nam đang sinh sống, công tác, học tập và lao động để xây dựng thành ấn phẩm thông tin phù hợp. Qua đó, mỗi người Việt ở nước ngoài đều có thể sử dụng, giới thiệu về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tư liệu về chủ trương, quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông cũng như chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một nội dung rất quan trọng, cần được sắp xếp khoa học, hợp lý theo diễn tiến lịch sử, thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Đồng thời, quan điểm, chính sách và hành động của Việt Nam giai đoạn gần đây cần được khắc họa cụ thể, rõ nét nhằm thể hiện tính chính nghĩa, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như tinh thần hòa hiếu của Việt Nam trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông.

Điều này góp phần thể hiện ý chí, quyết tâm trước sau như một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; qua đó vừa củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước trên Biển Đông, vừa lan tỏa tính hợp pháp, chính nghĩa, chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong chính sách, lập trường, hành động và ứng xử đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông.

Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là bằng chứng xác đáng, đanh thép khẳng định chủ quyền hợp pháp, không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phát huy giá trị Bộ bản đồ và tư liệu trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề chủ quyền biển, đảo đất nước; thể hiện chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông đến đông đảo bạn bè quốc tế; đồng thời đấu tranh, phản bác với những quan điểm xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là cơ sở vững chắc nhằm góp phần thực hiện tốt công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng trong bối cảnh hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)

Ngày nhận bài: 8-5-2023; Ngày bình duyệt: 23-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.

(1) Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.42

(2) Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869) biên soạn, gồm 6 tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5) và Châu Úc (tập 6).

(3) Mai Hồng - Lê Trọng: Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015, tr.57.

(4) Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Thuyết minh Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, Hà Nội, 2022, tr.15

(5) (6) Bộ Thông tin và truyền thông: Báo cáo số 12/BC-BTTTT ngày 13-3-2020, Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam năm 2019 theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ, tr.2.

(7) Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa: Báo cáo Kết quả thông tin, tuyên truyền chủ quyền biển, đảo, ngày 22-6-2022 (gửi Đoàn công tác Học viện Chính trị khu vực III).

Nguồn: Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay

LÊ VĂN THỦ

Học viện Chính trị khu vực III

lyluanchinhtri.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Đà Nẵng cảnh báo cấp độ 1 rủi ro thiên tai do mưa lớn

Đà Nẵng cảnh báo cấp độ 1 rủi ro thiên tai do mưa lớn
Theo dự báo, từ sáng 3/11 đến hết đêm 4/11, tại các quận, huyện ở Đà Nẵng có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; tổng lượng mưa tại thành phố phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Miền Trung đón mưa lớn đỉnh điểm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt

Miền Trung đón mưa lớn đỉnh điểm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt
Dự báo từ 4-6/11 là khoảng thời gian mưa lớn đỉnh điểm ở các tỉnh miền Trung với lượng mưa ba ngày từ 220mm-400mm, có nơi trên 700mm.

Xuất hiện bão mới tại Philippines, có thể đạt cấp cuồng phong

Xuất hiện bão mới tại Philippines, có thể đạt cấp cuồng phong
Một vùng áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành Bão nhiệt đới Marce (tên quốc tế là Yinxing) khi đi vào khu vực Philippines vào sáng sớm hôm nay ngày 4/11.

Trung Bộ bước vào đợt mưa lớn

Trung Bộ bước vào đợt mưa lớn
Từ hôm nay 4/11, các tỉnh miền Trung bước vào 1 đợt mưa lớn diện rộng và có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8/11, sau đó mưa giảm dần.

Pakistan: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Lahore, chính quyền phải thực hiện loạt biện pháp khẩn cấp

Pakistan: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Lahore, chính quyền phải thực hiện loạt biện pháp khẩn cấp
Ô nhiễm nghiêm trọng tại Lahore, Pakistan, đe dọa sức khỏe và sinh kế của hàng nghìn lao động. Chính quyền quốc gia này phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp, bao gồm việc yêu cầu làm việc tại nhà và đóng cửa các trường tiểu học.
Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Gửi tương lai

Net Zero - Gửi tương lai

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

5 Minute Countdown Timer

5 Minute Countdown Timer

Need a 5 minute timer for your next event? Look no further! This timer is perfect for morning services, youth sessions, ceremonies, church meetings, and many other things! Enjoy this nice and simple universal design to fit whatever you need it for.
Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

The milky way is such a common subject to shoot for stills and timelapse. While many sequences feature wide-angle shots of our home galaxy, there seem to be lacking many close-ups (medium format, deep-sky timelapse). That's how I made the latter my specialty over the past 4 years, with a hand-crafted workflow that enabled me to produce some of the best detailed/colored time lapses of the milky way on the market for that resolution.
NOX ATACAMA | 8K

NOX ATACAMA | 8K

The Atacama desert is home to the darkest and cleanest skies in the world. A view to the nightsky rewards with uncountable numbers of stars and fantastic nebulas in one of the most quiet a empty places on earth. Not a single noise distracts from the grand show the nightsky has to offer. The environment is harsh though. Filmed in freezing temperatures, altitudes up to 5000m/16000ft, salt lakes and icy slopes, the Atacama is not friendly to life and equipment. Though it provides without doubt for epic and vast vistas of one of the greatest landscapes on earth.