Phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn hiện nay
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 _Nguồn: baokontum.com.vn |
Vai trò của nhân dân và nội dung phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân và khẳng định chân lý: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là một trong những phong trào thi đua yêu nước, gắn bó chặt chẽ với các phong trào cách mạng khác, là cơ sở rất quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là biện pháp cơ bản, quan trọng để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Do vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, chiến lược để tập hợp, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”(2).
Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân (LLCAND) 79 năm qua luôn gắn liền với những hình thức tổ chức và tập hợp quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khả năng tiềm tàng, sáng tạo, ý thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Trong giai đoạn hiện nay, nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg, lấy ngày 19-8 hằng năm - Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân - là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Điều này không chỉ nhằm biểu dương sức mạnh của toàn dân, tôn vinh vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, mà còn thể hiện truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng công an với nhân dân. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng về công tác dân vận và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”(3). Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm từng vùng, miền, nhóm đối tượng, địa bàn dân cư và tình hình thực tế của các đơn vị, địa phương; nhờ đó, vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân đã được tập hợp, duy trì, phát huy.
Lực lượng Công an nhân dân đặc biệt coi trọng công tác nắm tình hình; tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Triển khai, bố trí công an chính quy tại 100% công an xã, phường, thị trấn trực tiếp thực hiện công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; thường xuyên triển khai, thực hiện các biện pháp đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, dư luận của các tầng lớp nhân dân; từ đó, nắm chắc tình hình an ninh, trật tự, âm mưu, hoạt động của các loại tội phạm tại từng địa bàn, lĩnh vực nhằm chủ động tham mưu, đề ra các biện pháp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Tính đến ngày 25-8-2023, Bộ Công an đã ký quyết định đưa 3.452/3.945 xã, thị trấn ra khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Công an các cấp thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện và vận động quần chúng nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; trong đó, chú trọng tới những địa bàn chiến lược, trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự với những hoạt động cụ thể là: 1- Tập trung phát động nhân dân thực hiện nghiêm túc pháp luật về tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của công dân; xây dựng mối quan hệ đoàn kết các tín đồ tôn giáo với những người không theo đạo; dựa vào nhân dân, đấu tranh với những người lợi dụng tôn giáo kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; 2- Tập trung phát động nhân dân thực hiện nghiêm túc chính sách dân tộc của Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; dựa vào nhân dân phát hiện, đấu tranh với hoạt động chia rẽ, kỳ thị dân tộc, hoạt động thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”, “Nhà nước Đề Ga”, hoạt động FULRO, “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ”; bảo vệ an ninh biên giới; xây dựng bản, làng đoàn kết, văn hóa; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản tham gia giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự tại cơ sở; 3- Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên, an ninh trên biển; 4- Vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xóm, làng, xã an toàn; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại phường, xã; tham gia xây dựng cơ sở chính trị gắn bó với lực lượng công an; nhân rộng các hình thức tự phòng, tự quản, tự hòa giải các mâu thuẫn nội bộ nhân dân tại cơ sở; 5- Phát động cán bộ, công nhân, viên chức tham gia xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh, trật tự, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng; bảo vệ bí mật nhà nước.
Trên cơ sở triển khai, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành công an về công tác dân vận, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được triển khai sâu rộng ở khắp các địa bàn, lĩnh vực, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Hiện nay, cả nước có hơn 4.300 mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở, góp phần làm giảm tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội(4); đặc biệt, đã có nhiều mô hình đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực, tiêu biểu là mô hình: “Tổ COVID-19 cộng đồng” tại tỉnh Vĩnh Phúc, “Tổ tự quản cộng đồng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh COVID-19” tại tỉnh Bắc Giang, “Vùng Xanh an toàn” tại thành phố Hà Nội, “Móc khóa đường dây nóng COVID-19” tại tỉnh Cao Bằng, “Tự quản, tự phòng, chống COVID-19” tại tỉnh Hà Nam, “Tổ, chốt bảo vệ vùng xanh” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... Thông qua các mô hình tự quản, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở, nhân dân đã tích cực tham gia báo tin, tố giác tội phạm, phát hiện, hỗ trợ LLCAND đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư; giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông, phòng, chống cháy nổ... Bên cạnh đó, nhân dân còn tích cực tham gia góp ý, xây dựng LLCAND trong sạch, vững mạnh; nhờ sự góp ý của nhân dân, LLCAND đã khắc phục những hạn chế, đổi mới các mặt công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc theo phương châm: “Lúc dân cần, lúc dân khó có công an”; qua đó, củng cố niềm tin, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền và LLCAND.
Lực lượng Công an nhân dân tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt vai trò của ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành các cấp trong công tác vận động, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các địa bàn, lĩnh vực; nổi bật là: LLCAND đã phối hợp với ban dân vận các cấp triển khai, thực hiện các chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2021 và hiện nay, đang triển khai, thực hiện chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới, giai đoạn 2013 - 2023 và đang tổng kết, đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện để tổ chức ký kết, thực hiện chương trình phối hợp trong giai đoạn 2023 - 2033.
Bên cạnh đó, LLCAND đã thường xuyên thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từ thiện, giúp đỡ nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa LLCAND với nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, chiến sĩ công an trong lòng nhân dân, vì nhân dân phục vụ, tiêu biểu là các hoạt động: “Hiến máu, tình nguyện”; chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội và nhà cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng thường xuyên bị bão, lũ; tặng quà cho trẻ em nghèo, vượt khó học giỏi; trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân.
Chiến sĩ công an nhân dân giúp dân cứu lúa ở đồng bằng sông Cửu Long _Nguồn: tienphong.vn |
Giải pháp phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong điều kiện mới
Dự báo trong thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta diễn ra trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột giữa Nga - U-crai-na ngày càng leo thang căng thẳng, đe dọa đến hòa bình, ổn định của tất cả quốc gia. Thế giới đã và đang vận động theo xu hướng từ đơn cực chuyển sang đa cực, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh; trong đó, mặt cạnh tranh đậm nét hơn, phức tạp và quyết liệt hơn, nổi lên là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và quyết liệt.
Ở trong nước, các thế lực thù địch và phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; chúng đưa nhiều thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật gây hoang mang, dao động, tạo nghi ngờ, chia rẽ trong nội bộ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, tiếp tục có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...; một số cán bộ, đảng viên không gương mẫu, quan liêu, xa dân, không làm tròn bổn phận trước nhân dân, thậm chí có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.
Trong LLCAND, tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, sĩ quan cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, kỷ luật, Điều lệnh Công an nhân dân, có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội và niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và truyền thống của LLCAND.
Về phía người dân, được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin do sự mở rộng và phát triển của internet, nhất là mạng xã hội facebook, zalo... nên bên cạnh những thông tin chính thống tích cực, thì các thông tin xấu độc, sai sự thật của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, những thông tin không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã và đang tác động tiêu cực tới không ít người dân, bị lôi kéo, mua chuộc, xúi giục; từ đó, có những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Tình hình trên sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc xây dựng sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm cản trở tới việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong thời gian tới, LLCAND cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ LLCAND và toàn dân những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn hiện nay.
Cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới; phải xác định công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của từng đơn vị, địa phương và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu đơn vị, địa phương và của từng cán bộ, chiến sĩ trong công tác xây dựng và vận động quần chúng nhân dân tích cực, tự nguyện tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Chú trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy định về bảo vệ an ninh, trật tự; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tình hình tệ nạn xã hội; các sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm để nhân dân chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; hiểu rõ quyền và nghĩa vụ trên lĩnh vực an ninh, trật tự để từ đó nhân dân tự nguyện, tự giác tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Hai là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham mưu, phục vụ các cấp ủy, chính quyền và công an cấp trên trong đề ra chủ trương, biện pháp, hình thức chỉ đạo các hoạt động của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới; chỉ đạo công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải gắn kết, hòa nhập với các cuộc vận động cách mạng lớn, như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... qua đó, nhiều thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp trong nhân dân được khôi phục, phát huy, đóng góp vào sự phát triển của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ký các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp liên ngành để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng với LLCAND tuyên truyền, giáo dục, vận động, huy động sức mạnh của cán bộ, đảng viên và toàn dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Năm 2022, Bộ Công an đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo tổng kết toàn quốc 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/BDVTW-BCA, ngày 15-6-2016, về “Phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an giai đoạn 2016 - 2021” và hiện nay, đang phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn LLCAND, ban dân vận các cấp triển khai ký kết và thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW, ngày 1-8-2013, về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và đang chỉ đạo tổng kết để ký kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới giai đoạn 2023 - 2033. Trên cơ sở đó, LLCAND tiếp tục huy động sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, như người cao tuổi, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân tham gia mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới.
Bốn là, thường xuyên mở các đợt vận động tập trung để giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm, mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo khí thế, động viên nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Mở nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tấn công, trấn áp tội phạm; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; vận động đối tượng phạm pháp ra tự thú; phát hiện, tố giác tội phạm; giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, góp phần huy động, gắn kết sức mạnh của nhân dân với sức mạnh của LLCAND và các cơ quan chức năng bảo vệ, thực thi pháp luật.
Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tuyên truyền pháp luật cho đồng bào _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn |
Hằng năm, duy trì phát động mạnh mẽ, sâu rộng: “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Tháng an toàn giao thông”, “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”, “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... qua đó, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân và tạo khí thế cách mạng, khí thế thi đua để phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát triển mạnh mẽ.
Năm là, tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phù hợp với các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng các khu vực: miền núi phía Bắc, khu vực Tây Bắc và phụ cận, khu vực Tây Nguyên, khu vực Tây Nam Bộ...
Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động, nhằm huy động sức mạnh của nhân dân trong công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các địa bàn cụ thể: Ở địa bàn tập trung đồng bào tôn giáo, cần tập trung phát động nhân dân thực hiện nghiêm túc chính sách tôn giáo của Đảng; quyền và nghĩa vụ công dân với các phong trào “Kính Chúa, yêu nước”, “Tốt đời, đẹp đạo”; xây dựng tình đoàn kết giữa các tín đồ với người không theo đạo... Ở địa bàn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số cần chú trọng phát động nhân dân các dân tộc thực hiện nghiêm túc chính sách dân tộc của Đảng; xây dựng tình đoàn kết các dân tộc; phát hiện, đấu tranh với các hoạt động chia rẽ, kỳ thị dân tộc, hoạt động “xưng vua”, phát triển đạo trái pháp luật... Ở địa bàn tuyến biển, đảo, cần xây dựng cho nhân dân ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cả trên bờ, vùng nội thủy và vùng lãnh hải; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, chấp hành các quy định về quản lý phương tiện hành nghề trên biển. Ở địa bàn nông thôn, cần tập trung phát động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, xóm, làng, xã an toàn, đoàn kết, văn hóa, toàn dân tham gia tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại khu dân cư... Ở các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cần tập trung phát động cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tích cực tham gia xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh, trật tự, bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hóa, bảo vệ bí mật nhà nước, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Tích cực xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hoạt động hiệu quả theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ sớm tại cơ sở và mang tính xã hội hóa ngày càng cao, nhằm phát huy vai trò làm chủ, tính tích cực của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; là cơ sở để xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Sáu là, xây dựng cơ chế huy động sức mạnh nhân dân ở trong và ngoài nước tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ.
Lực lượng công an nhân dân cần phát huy vai trò nòng cốt tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Các lực lượng nghiệp vụ thường xuyên triển khai các kế hoạch tuyên truyền, vận động để du học sinh, người lao động nhận thức được và không tham gia các hội, nhóm trá hình, núp dưới danh nghĩa tổ chức “xã hội dân sự”, thanh niên, phụ nữ, tôn giáo, hỗ trợ pháp lý... của các thế lực thù địch, phản động; triển khai hiệu quả các kế hoạch tuyên truyền, vận động số đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép trở về địa phương.
Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, phát huy văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, giao lưu văn nghệ, thể thao, gắn kết cộng đồng, như tổ chức các buổi lễ cầu siêu, hội chợ du lịch, ngày hội văn hóa Việt Nam, triển lãm sách, tranh, ảnh về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
Bảy là, phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc“ trên không gian mạng.
Khẩn trương tham mưu xây dựng đề án của Bộ Công an về xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên không gian mạng để triển khai, thực hiện thống nhất trong toàn LLCAND.
Chú trọng việc lựa chọn, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để tuyên truyền, huy động đông đảo nhân dân tham gia tương tác, trao đổi, đấu tranh phòng, chống các quan điểm, hành động sai trái, luận điểm xuyên tạc, phản động; like, chia sẻ, tương tác với các thông tin trên mạng xã hội một cách có trách nhiệm và hữu ích để cùng chung tay xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh, thân thiện, giúp mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích để phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát triển sâu rộng, bền vững, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Tám là, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng LLCAND trực tiếp làm công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở và chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, thi đua, khen thưởng kịp thời.
Tăng cường xây dựng LLCAND có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng, gắn thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” nhằm xây dựng LLCAND trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt trong công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Quan tâm, tăng cường lực lượng công an các cấp hướng về cơ sở, thực hiện nhiệm vụ công an xã, phường, thị trấn để trực tiếp thực hiện công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tiếp tục bố trí thêm biên chế công an chính quy tại công an cấp xã và chú trọng đổi mới cách thức, phương pháp vận động nhân dân để chủ động phòng ngừa, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, tệ nạn xã hội, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân ngay từ cơ sở.
Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng làm công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ LLCAND và quần chúng nhân dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”./.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453
(2) Đó là các văn bản: Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1-12-2011, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP, ngày 21-1-2014, của Chính phủ, “Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.
(3) Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW, ngày 1-8-2013, giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, về “Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 03/CT-BCA-V28, ngày 3-6-2016, của Bộ trưởng Bộ Công an, về “Tăng cường công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Quyết định số 239-QĐ/ĐUCA, ngày 24-11-2021, của Đảng ủy Công an Trung ương, về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân; Chỉ thị số 11/CT-BCA-V05, ngày 17-12-2021, của Bộ trưởng Bộ Công an, “Về đổi mới công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”; Chương trình số 05-CTr/BDVTW-BCA, ngày 14-4-2022, giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an về phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026.
(4) Mô hình: “Địa bàn không ma túy”, “Xứ, họ đạo bình yên - chùa tinh tiến về an ninh, trật tự”, “Camera phòng, chống tội phạm”, “Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự”, “Cụm liên kết an toàn về an ninh, trật tự khu vực giáp ranh”, “Tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn”, “Nhà trọ tự quản, an toàn về an ninh, trật tự”, “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”...
Nguồn: Phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn hiện nay
TS LÊ QUỐC HÙNG
Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
www.tapchicongsan.org.vn